Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào CHDCND Triều Tiên có thể phản tác dụng và hành động quân sự sẽ tạo ra “thảm họa toàn cầu”.
Bức ảnh do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA phát cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un họp với một ủy ban của Đảng Lao động Triều Tiên về vụ thử hạt nhân ngày 3-9. Ảnh: Getty Images |
Hãng CNN cho biết, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn đang nổi (BRICS) ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) ngày 5-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, khủng hoảng đang leo thang xung quanh chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên có thể tạo ra “thảm họa toàn cầu”. Ông phản đối giải pháp quân sự và khẳng định cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng là thông qua ngoại giao.
Trước báo giới, Tổng thống Putin chỉ trích những hành động gần đây của CHDCND Triều Tiên nhưng ông cho rằng, việc áp đặt bất kỳ hình thức trừng phạt nào cũng sẽ “vô nghĩa và không hiệu quả”. Theo nhà lãnh đạo Nga, điều quan trọng là tất cả các bên, trong đó có Triều Tiên, không đối mặt với “những mối đe dọa hủy diệt” và đi trên con đường hợp tác. “Việc gia tăng kích động quân sự rõ ràng không dẫn đến kết quả tốt. Nó có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu với nhiều nạn nhân”, ông Putin nói.
Dự thảo nghị quyết mới với các biện pháp trừng phạt cứng rắn đang được Mỹ đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo đó, một cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết có thể diễn ra trong tuần này. Đại sứ Mỹ Nikki Haley kêu gọi chấm dứt các biện pháp nửa vời và cách tiếp cận của Liên Hợp Quốc trong hơn 20 năm qua vốn không thể làm thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng.
Việc CHDCND Triều Tiên thử bom nhiệt hạch (bom H) - vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3-9 vừa qua đang làm bán đảo Triều Tiên thêm nóng. Bình Nhưỡng cho rằng, nước này hiện có thể gắn vũ khí nhiệt hạch vào một tên lửa tầm xa có thể vươn đến Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhận định, nhiều khả năng phải nâng sức công phá được ước tính ban đầu từ vụ thử hạt nhân, dựa vào kích cỡ của trận động đất sau đó, tức cường độ địa chấn dự kiến được nâng lên đến 6 độ Richter, thay vì 5,8 độ Richter (tương đương với quả bom 70 kiloton) như đánh giá của Ủy ban trù bị Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện.
Ngoài ra, các nhà phân tích và các nghị sĩ Hàn Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể thực hiện một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sớm nhất vào ngày 9-9 tới, dịp nước này kỷ niệm Quốc khánh. Theo Nhật báo Kinh doanh châu Á của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đang di chuyển một ICBM về bờ biển phía tây. Tên lửa này được di chuyển từ đêm 4-9 để tránh bị giám sát. Đối với CHDCND Triều Tiên, thời điểm tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa mang tầm quan trọng chiến lược. Một trong những vụ thử hạt nhân trước đây của Bình Nhưỡng cũng diễn ra vào ngày 9-9-2016. Ông Harry Kazianis, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ The National Interest, còn cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể tiếp tục thử hạt nhân trong một vài tháng tới.
Sau nhiều tuần đối mặt với căng thẳng do mối đe dọa từ Triều Tiên, ngày 5-9, Hàn Quốc và Mỹ thống nhất xóa bỏ quy định giới hạn trọng lượng đầu đạn trong các tên lửa mà Washington cung cấp cho Seoul, hiện được giới hạn ở tầm bắn 800km và trọng lượng tối đa 500kg (trong khi hầu hết tên lửa của CHDCND Triều Tiên có trọng lượng từ 100 - 1.000kg).
Hàn Quốc tin rằng, việc xóa bỏ quy định giới hạn sẽ giúp nước này đáp trả được mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Năm 1979, tức một năm sau khi Hàn Quốc thử thành công một tên lửa đạn đạo, Washington và Seoul đã ký thỏa thuận hạn chế khả năng tên lửa đạn đạo của quốc gia châu Á này để tránh gây bất ổn an ninh cho khu vực. Hàn Quốc và Mỹ hiện vẫn duy trì tình trạng chiến tranh kỹ thuật với CHDCND Triều Tiên bởi cuộc xung đột Triều Tiên năm 1950-1953 kết thúc mà không có hiệp ước hòa bình.
Cả Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên đều có hàng ngàn tên lửa và pháo binh nhắm vào nhau ở khu vực biên giới. Song, chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng phát triển nhanh chóng, làm thay đổi cán cân cân bằng và đòi hỏi quốc gia phía nam phải có phản ứng mạnh mẽ hơn. Seoul cũng đang trao đổi với Washington về việc triển khai các tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược đến bán đảo Triều Tiên nhằm gia tăng phòng vệ cho nước này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam: Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Ngày 5-9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần 6 vào ngày 3-9 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần 6 đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mọi hành vi làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình; nghiêm túc tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. TTXVN |
PHÚC NGUYÊN