Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo?

.

Hàn Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất của quốc gia này.

Tên lửa Hyunmoo II của Hàn Quốc bắn ra vùng biển phía đông trong cuộc tập trận ngày 4-9. Ảnh: AP
Tên lửa Hyunmoo II của Hàn Quốc bắn ra vùng biển phía đông trong cuộc tập trận ngày 4-9. Ảnh: AP

Việc CHDCND Triều Tiên thử thành công bom H - bom nhiệt hạch có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có sức mạnh ước tính gấp 5 lần quả bom năm 2016 vào ngày 3-9, gây chấn động thế giới. Quả bom này thậm chí còn mạnh hơn quả bom được Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.

Hàn Quốc muốn cô lập hoàn toàn Triều Tiên

Ngày 4-9, Hàn Quốc cho biết, nước này đang trao đổi với Mỹ về việc triển khai các tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược đến bán đảo Triều Tiên sau khi có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể phóng thêm ICBM.

Phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, quyền Thứ trưởng về chính sách quốc phòng quốc gia Jang Kyoung-soo khẳng định tiếp tục thấy những dấu hiệu về khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ phóng thêm ICBM. “Chúng tôi cũng dự đoán CHDCND Triều Tiên có thể phóng thêm 1 ICBM”, vị quan chức này nói. Tháng 7 vừa qua, Bình Nhưỡng đã thử 2 ICBM có thể bay khoảng 10.000km, đặt nhiều vùng của Mỹ vào tầm ngắm và dẫn đến các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của quốc tế.

Lực lượng quân đội và không quân Hàn Quốc ngay lập tức tiến hành tập trận, bao gồm việc thử các tên lửa đạn đạo và đất đối không. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ triển khai 4 bệ phóng còn lại thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD) sau khi hoàn tất việc đánh giá môi trường. Hai bệ phóng của THAAD đã được đưa vào sử dụng, còn 4 bệ phóng nữa đang chờ được triển khai tại phía nam Seoul.

Tối 4-9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp để bàn thảo các biện pháp trừng phạt mới chống lại CHDCND Triều Tiên. Lệnh trừng phạt có thể bao gồm: cấm xuất khẩu sản phẩm dệt, cấm hãng hàng không quốc gia CHDCND Triều Tiên hoạt động, ngừng cung cấp dầu cho chính phủ và quân đội Triều Tiên, không cho công dân Triều Tiên ra nước ngoài lao động, bổ sung các quan chức hàng đầu của Bình Nhưỡng vào danh sách đen bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại. Các nhà quan sát nhận định khả năng phủ quyết nghị quyết trừng phạt mới lần này là rất thấp. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi HĐBA LHQ thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm “cô lập hoàn toàn” CHDCND Triều Tiên.

Tại Washington, hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cảnh báo cường quốc này có thể có “phản ứng quân sự quy mô lớn” nhằm đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào từ CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn an ninh quốc gia. Ông dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ, trong đó có việc “ngừng mọi giao dịch thương mại với bất kỳ quốc gia nào đang giao thương với CHDCND Triều Tiên”. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng từng cam kết ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và khẳng định sẽ dùng “hỏa lực và thịnh nộ” nếu đe dọa đến lãnh thổ của Mỹ.

Triều Tiên gây áp lực với Trung Quốc?

Ngày 4-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt đứt giao dịch thương mại với các nước làm ăn với CHDCND Triều Tiên là không thể chấp nhận được và không công bằng. Theo người phát ngôn này, Trung Quốc tự giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua đàm phán nhưng những nỗ lực của Bắc Kinh không được công nhận.

Về việc HĐBA LHQ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc có ủng hộ việc cắt nguồn cung dầu mỏ hay không, người phát ngôn Cảnh Sảng cho biết, Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào các cuộc thảo luận của HĐBA. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã “trao công hàm phản đối mạnh mẽ” cho người phụ trách của Đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc.

Trong khi đó, hãng Tân Hoa xã của Trung Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên đang chơi “một canh bạc nguy hiểm” và chiến thuật như vậy không bao giờ mang lại sự bảo đảm về an ninh.

Điều đáng nói, vụ thử hạt nhân diễn ra khi Trung Quốc đang chủ trì hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Vì vậy, đây là lần thứ hai trong năm nay nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un dùng chương trình vũ khí hạt nhân bị cấm của mình tạo thế khó cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi tháng 5, Bình Nhưỡng cũng thử tên lửa trong lúc ông Tập Cận Bình chủ trì một hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn về thương mại. Một số nhà quan sát cho rằng, những hành động như thế nhằm gây áp lực để Trung Quốc thuyết phục Mỹ đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên. “Việc Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa đặt Trung Quốc vào thế càng lúc càng khó”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh Shi Yinhong nói. Giáo sư khoa học chính trị Jean-Pierre Cabestan tại Đại học Hong Kong Baptist cũng bình luận, ông Kim Jong-un đang sẵn sàng gây sức ép đối với ông Tập Cận Bình.

Trừng phạt để trở lại đối thoại

Hãng Yonhap cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 4-9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí tăng cường các biện pháp mạnh mẽ chống CHDCND Triều Tiên “lên mức hoàn toàn khác” để đáp lại vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng. Ông Moon nói rằng, cần có các biện pháp “thực chất hơn nữa” đối với CHDCND Triều Tiên “đến mức Bình Nhưỡng có thể thực sự cảm nhận được sức ép” thông qua sự hợp tác với cộng đồng quốc tế. Ông chủ Nhà Xanh nhấn mạnh cần gia tăng các biện pháp trừng phạt và sức ép lên mức cao nhất để nước láng giềng của ông phải tiến tới bàn đàm phán.

Phía Hàn Quốc cho rằng, việc áp đặt lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm buộc CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đối thoại. Song, trên Twitter, Tổng thống Trump dường như chỉ trích Hàn Quốc về cách tiếp cận này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.