ADMM+ nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực

.

Ngày 24-10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ tư đã diễn ra tại thành phố Clark của Philippines.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch (thứ 2, phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ chụp ảnh chung tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đại tướng Ngô Xuân Lịch (thứ 2, phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ chụp ảnh chung tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Ngay sau lời phát biểu khai mạc ngắn gọn của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Hội nghị đã nghe báo cáo về kết quả các cuộc họp của ADMM và ADMM+ và thông qua chương trình nghị sự. Hội nghị cũng nghe báo cáo về hoạt động của các nhóm chuyên gia của ADMM+.

Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh trình bày tại Hội nghị về tình hình phát triển của ASEAN và những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy các cơ chế do ASEAN giữ vai trò chủ đạo như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, ADMM, ADMM+ tiếp tục phát huy tác dụng, là yếu tố quan trọng để duy trì môi trường hòa bình trong khu vực. Đặc biệt, cơ chế ADMM+ là diễn đàn hợp tác thực chất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần duy trì sự ổn định trong khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN cho biết vấn đề Biển Đông vẫn nằm trong ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của các cuộc họp của ASEAN trong năm qua. Điều đó có thể thấy được qua việc thông qua được dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để tiếp tục hoàn chỉnh các cơ chế thảo luận về xây dựng COC, cũng như các cơ chế xây dựng lòng tin đối với các nước có liên quan để xử lý các vấn đề khẩn cấp ở Biển Đông. Ngoài ra, các vấn đề như tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, buôn ma túy, an ninh mạng cũng nằm trong mối quan tâm của ASEAN.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh cũng thông báo trên cơ sở kết luận của Hội nghị ADMM-11 diễn ra ngày 23/10, giai đoạn một Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN (ADI) bắt đầu được đưa vào hoạt động từ ngày 24/10. Lễ ra mắt ADI cũng diễn ra trong khuôn khổ hội nghị.

Các trưởng đoàn tham dự Hội nghị ADMM+ lần thứ tư nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN; đánh giá cao những kết quả hợp tác thực chất trong khuôn khổ ADMM+. Cơ chế hợp tác ADMM+ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh-quốc phòng ở khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, các trưởng đoàn đã thảo luận về sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan và bày tỏ sự quan tâm đến những diễn biến gần đây trên Bán đảo Triều Tiên. Các thách thức an ninh phi truyền thống khác như an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy cũng được đề cập tại hội nghị.

An ninh biển là một nội dung được thảo luận nhiều tại Hội nghị ADMM+ lần thứ tư. Hội nghị ghi nhận nỗ lực của các thành viên ADMM+ trong việc thúc đẩy hợp tác thực tế về vấn đề an ninh biển. Tại hội nghị, nhiều nước nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong các tranh chấp trên biển đồng thời bày tỏ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế.

Về vấn đề Biển Đông, hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được COC sau khi đạt được bộ khung COC, nhằm xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị ADMM+ lần thứ tư, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao chủ đề hội nghị năm nay mà nước chủ nhà Philippines đưa ra. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng “chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu” không chỉ là mong muốn của các nước ASEAN mà còn là mong muốn của các nước đối tác của ASEAN, đặc biệt là 8 nước đối tác có mặt tại hội nghị lần này.

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, để mong muốn có thể trở thành hiện thực, điều cần trước tiên là một môi trường thuận lợi, thật sự hòa bình, ổn định. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh “hòa bình, hợp tác và phát triển đến nay tiếp tục là xu thế chủ đạo, song chúng ta đang đối mặt với những thách thức, thậm chí là chưa từng có đối với văn minh và phát triển của nhân loại."

Những thách thức đó bao gồm sự bất ổn về an ninh, nguy cơ xung đột, nạn khủng bố, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền trên biển cũng như các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Ngoài ra, vấn đề ngư dân cũng là một trong những vấn đề mà nếu không được giải quyết ổn thỏa sẽ có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ song phương.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị trong khi các quốc gia liên quan đang cùng nhau thống nhất các giải pháp mang tính pháp lý lâu dài, cần lấy biện pháp tuyên truyền, giáo dục, không nên có những hành động đối xử thô bạo hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết trên tinh thần hữu nghị, láng giềng, truyền thống.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng để có môi trường hòa bình ổn định thật sự thì các nước phải chung tay giải quyết các thách thức với cùng một nhận thức, với một “lòng tin chiến lược," theo khuôn khổ pháp lý chung, không vì lợi ích của riêng mình mà bỏ qua lợi ích của các nước láng giềng, các đối tác. “Nhận thức chung” và “lòng tin chiến lược” chỉ có và được củng cố khi hợp tác chung phải được tăng cường và đi vào thực chất, với những hoạt động mang tính thiết thực.

Cũng theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, một trong những mục tiêu của ADMM và ADMM+ là góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Vì vậy, đòi hỏi các nước cần phải tham gia một cách thực tâm, có trách nhiệm vào các cơ chế này, trong đó một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là duy trì được sự đoàn kết, thống nhất và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.

Thời gian vừa qua, nhiều nước đối tác ngoài khu vực ASEAN đã thể hiện mong muốn được tham gia vào cơ chế ADMM+. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng việc ADMM+ ngày càng có được sự quan tâm thể hiện tầm quan trọng, tính hấp dẫn và vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Bộ trưởng gợi ý có thể cân nhắc các mong muốn này, đưa ra tài liệu khái niệm với các tiêu chí lựa chọn, trước mắt có thể là quan sát viên trong các nhóm chuyên gia ADMM+.

Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết ngay từ trong năm nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã xúc tiến công tác chuẩn bị cho việc tổ chức các hội nghị quốc phòng-quân sự ASEAN năm 2020, trong đó quan trọng nhất là việc tổ chức Hội nghị ADMM lần thứ 14, ADMM+ lần thứ bảy và kỷ niệm 10 năm thành lập Cơ chế ADMM+.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: “Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm quý báu của tất cả các nước thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác để hoàn thành trọng trách này."

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo từ năm 2018 hội nghị ADMM+ sẽ được tổ chức thường niên. Bộ trưởng Lorenzana cũng chuyển giao chức Chủ tịch ADMM, ADMM+ cho ông Ng Eng Heng, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, nước sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2018.

Tại Lễ bàn giao, Trưởng đoàn Singapore đã thông báo kế hoạch cụ thể về các hội nghị quân sự-quốc phòng trong năm Chủ tịch ADMM, ADMM+. Việt Nam và các nước tham dự Hội nghị đã bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ Singapore đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ADMM, ADMM+ trong năm 2018 và tin tưởng Singapore sẽ thực hiện tốt trọng trách của mình.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.