Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Washington đang tìm cách đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên về chương trình tên lửa và hạt nhân, nhưng phía Bình Nhưỡng không có tín hiệu quan tâm việc đối thoại.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 30-9. Ảnh: AP |
Tiết lộ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được đưa ra trong chuyến công cán đến Trung Quốc ngày 30-9. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ đề cập cách tiếp cận với CHDCND Triều Tiên bằng giải pháp đối thoại. “Chúng tôi có thể nói chuyện với CHDCND Triều Tiên. Chúng tôi hoàn toàn có thể đối thoại với họ”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói.
Hãng AP dẫn lời Ngoại trưởng Tillerson cho biết, Mỹ đang tìm hiểu ý định của CHDCND Triều Tiên có sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán hay không và kêu gọi xoa dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng cần ngừng phóng tên lửa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định, Washington sẽ không công nhận CHDCND Triều Tiên là cường quốc hạt nhân và các quan chức Bình Nhưỡng không thể hiện họ quan tâm hoặc sẵn sàng đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Hiện bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật và khu vực phi quân sự là ranh giới chia tách hai miền Triều Tiên. Kể từ khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1-2017, Mỹ đã khôi phục kênh hành lang với CHDCND Triều Tiên. Đó là cách để hai bên tiếp xúc với nhau bởi hai nước không có quan hệ ngoại giao chính thức. Mục đích chính của các cuộc tiếp xúc ban đầu là nhằm tìm kiếm sự tự do cho các công dân Mỹ đang bị CHDCND Triều Tiên giam giữ, mặc dù các quan chức Mỹ cho biết đã có nhiều cuộc thảo luận về quan hệ song phương. Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc bí mật này không làm giảm nghi ngờ giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Trong những tháng gần đây, CHDCND Triều Tiên thử các tên lửa tầm xa có thể vươn đến Mỹ và ngày 3-9 vừa qua là vụ thử hạt nhân lớn nhất của quốc gia Đông Bắc Á này. Căng thẳng từ đó bước sang một giai đoạn mới, nguy hiểm hơn, nhất là khi các nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump lên tiếng đe dọa chiến tranh.
Giờ đây, trong chuyến công cán ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho rằng, hành động cần nhất ngay lập tức là “hạ nhiệt”, nhưng ông không đề cập trực tiếp về những tuyên bố mạnh mẽ trước đó của Tổng thống Trump. Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Trump từng khẳng định nếu “buộc phải bảo vệ mình và các đồng minh, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn CHDCND Triều Tiên”.
Đây là lần thứ hai ông Tillerson đến Trung Quốc trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Trung Quốc là đồng minh và là đối tác thương mại chính của CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng, nếu chỉ đơn thuần trừng phạt thì sẽ không giải quyết được khủng hoảng; đồng thời thúc giục Mỹ kiềm chế và đối thoại với Bình Nhưỡng. Song, Bình Nhưỡng khăng khăng sẽ chỉ bàn thảo về chương trình vũ khí nếu Mỹ ngừng “chính sách thù địch” chống lại nước này.
Trong lúc đó, đài Al Jazeera dẫn nguồn tin chính thức từ CHDCND Triều Tiên khẳng định các biện pháp trừng phạt không có hiệu quả và chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm thực hiện chương trình hạt nhân. Không những thế, các quan chức Hàn Quốc bày tỏ lo ngại Bình Nhưỡng có thể có thêm hành động vào ngày 10-10, dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, hoặc khi Trung Quốc tiến hành Đại hội Đảng ngày 18-10. Vì vậy, theo Reuters, chưa rõ thời điểm đàm phán thật sự giữa Mỹ, hoặc các bên liên quan với CHDCND Triều Tiên có thể diễn ra; đồng thời chưa có dấu hiệu cho thấy khủng hoảng có thể được tháo gỡ nhanh chóng.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng H.R. McMaster nhận định, sẽ không có điều kiện nào cho đàm phán. Song, ông lại cho rằng, Bình Nhưỡng đã tiến một bước xa để “đóng băng” chương trình của mình và đổi lấy sự nhượng bộ.
Vấn đề Triều Tiên sẽ là một nội dung quan trọng trong chuyến công du 6 nước châu Á của Tổng thống Donald Trump, dự kiến vào đầu tháng 11 tới. Song, chưa rõ Mỹ có thật sự thay đổi tiếp cận về CHDCND Triều Tiên như Ngoại trưởng Tillerson đề cập hay không.
VĨNH AN