Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/10 bắt đầu một chiến dịch bắt giữ 121 cựu nhân viên Bộ Ngoại giao trên cả nước được cho là có liên hệ với giáo sỹ ở Mỹ mà Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành năm 2016.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Anadolu cho biết các nhân viên này trước đó bị sa thải do tình nghi có liên hệ với giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen hiện sống lưu vong tại Pennsylvania (Mỹ). Ông này phủ nhận dính líu đến cuộc đảo chính bất thành tháng 7/2016.
Các đội cảnh sát chống khủng bố bắt đầu các cuộc đột kích đồng thời ở 30 tỉnh để bắt giữ những người tình nghi, một số người trong đó được cho là sử dụng ByLock, một ứng dụng trò chuyện được mã hóa mà Chính phủ cho rằng đã được mạng lưới của ông Gulen sử dụng.
Cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm 246 người thiệt mạng, 2.000 người bị thương, trong đó có 103 tướng lĩnh quân đội. Sau khi đập tan cuộc đảo chính này, đến nay nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 50.000 người tình nghi liên quan tới phong trào của giáo sỹ Gulen.
Ngoài ra, khoảng 150.000 người bị sa thải hoặc đình chỉ công tác, trong đó có nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, nhà báo, học giả, giáo viên...
Một số nước phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hoạt động này của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chính quyền Ankara nêu rõ hành động này mới có thể dập tắt được mối đe dọa từ mạng lưới do giáo sỹ Gulen đứng đầu vốn đã thâm nhập vào các cơ quan như quân đội, tòa án và trường học.
Giáo sỹ Gullen vẫn luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời cũng lên án cuộc đảo chính.
Theo Vietnam+