Không nằm ngoài dự đoán, đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe đã giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản trước thời hạn năm 2017.
Lãnh đạo LDP, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 2, trái) và Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP Fumio Kishida (thứ 3, trái) tại trụ sở LDP ở thủ đô Tokyo ngày 22/10. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Chiến thắng này cho thấy cử tri Nhật Bản tiếp tục dành sự tin tưởng cho LDP, là chính đảng duy nhất hiện nay có đủ năng lực điều hành đất nước.
Như thường lệ, năng lực điều hành kinh tế, vấn đề luôn được cử tri quan tâm nhất trong các cuộc bầu cử, là lĩnh vực đầu tiên để các cử tri cân nhắc quyết định của mình. Những số liệu và chuyển động kinh tế tích cực trước thềm bầu cử như kinh tế tăng trưởng sáu quý liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục trong vòng 23 năm qua, đặc biệt là chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo lập kỷ lục chuỗi tăng điểm dài nhất trong vòng gần 57 năm qua, được cho là yếu tố then chốt giúp LDP giành chiến thắng áp đảo.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc LDP xây dựng được một cơ sở chính trị vững chắc tại lưỡng viện quốc hội sẽ là yếu tố thuận lợi cho nền kinh tế quốc gia.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử, nhiều hiệp hội doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã bày tỏ vui mừng, cho rằng cử tri đã ủng hộ Thủ tướng Abe tiếp tục thực hiện Abenomics.
Ông Sadayuki Sakakibara, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, tổ chức quy tụ các tập đoàn lớn của quốc gia, cho rằng kết quả bầu cử là tín hiệu của cử tri mong muốn thúc đẩy Abenomics với nỗ lực lớn hơn.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và Hiệp hội các lãnh đạo điều hành công ty Nhật Bản, đã ra tuyên bố hoan nghênh chiến thắng của liên minh cầm quyền, coi đó là sự khởi đầu cho một nền chính trị ổn định.
Giới doanh nghiệp mong muốn liên minh cầm quyền sẽ giải quyết tình trạng thiếu lao động, thực hiện những cải tiến năng suất lao động cũng như thúc đẩy cải cách cơ cấu để xây dựng một cơ sở hùng mạnh cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc chương trình tranh cử thiếu sự đào sâu vào cải cách tài chính cho thấy chính phủ chưa sẵn sàng có những hành động kiên quyết để giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Abe đã cam kết nguồn thu nhập quốc gia, dự kiến tăng nhờ vào kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lên 10%, sẽ được dành cho an sinh xã hội, trong đó đáng chú ý là giáo dục miễn phí, nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng tỷ lệ sinh tại quốc gia này.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là nếu như vậy, chính phủ sẽ làm cách nào để giải quyết khoản nợ công lên tới 8.810 tỷ USD. Chính quyền mới sẽ đối mặt với bài toán khó khi phải chọn lựa giữa củng cố sức mạnh tài chính với cải thiện an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, mặc dù tiếp tục lựa chọn Abenomics song người dân Nhật Bản vẫn còn những băn khoăn về hiệu quả của chính sách kinh tế này. Theo các số liệu chính thức, thu nhập bình quân của tầng lớp lao động vẫn chưa được cải thiện nhờ Abenomics. Lương trung bình trong tháng Tám chỉ tăng 0,1% sau khi bị giảm 1,1% trong tháng Bảy vừa qua. Đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy tăng trưởng nhẹ sẽ không làm tăng lương. Theo họ, lương chỉ tăng khi nhu cầu và lạm phát tăng.
Kinh tế Nhật Bản vẫn chật vật đối phó với giảm phát, dù một số biện pháp đã được triển khai, nhưng tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản vẫn chưa lên được mốc mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương nước này đề ra. Nếu giải quyết được vấn đề này, Abenomics sẽ đạt được thành công lớn trong việc phục hồi hoàn toàn nền kinh tế quốc gia.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Satoshi Osanai của Viện nghiên cứu Daiwa nhận định một chính quyền ổn định và lâu dài đồng nghĩa với sự ổn định về chính sách kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Thủ tướng Abe cần phải thực thi một chiến lược tăng trưởng táo bạo. Lãnh đạo đất nước trong thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử Nhật Bản, Thủ tướng Abe cần tận dụng chiến thắng lần này để thực hiện những thay đổi mang tính triệt để nhằm giúp phục hồi nền kinh tế.
Hai vấn đề nữa mà cử tri quan tâm trong cuộc bầu cử lần này là cải cách điều 9 Hiến pháp liên quan đến vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và năng lực xử lý của chính phủ nếu xảy ra khủng hoảng với Triều Tiên. Thủ tướng Abe từng được đánh giá cao về năng lực ngoại giao liên quan tới vấn đề Triều Tiên, và LDP là chính đảng duy nhất hiện nay được cho là có năng lực xử lý phù hợp khủng hoảng với Triều Tiên.
Với việc LDP tiếp tục cầm quyền, nhiều khả năng chính sách đối ngoại của Tokyo sẽ không thay đổi, Thủ tướng Abe sẽ tiếp tục thuyết phục các quốc gia ủng hộ gia tăng sức ép đối với Triều Tiên. Đối với Trung Quốc, ông Abe sẽ tiếp tục cân nhắc các sáng kiến do Bắc Kinh đề xướng mà có thể đem lại lợi ích cho kinh tế Nhật Bản.
Cải cách Hiến pháp, mặc dù được LDP nêu lên trong cương lĩnh tranh cử, song sẽ là vấn đề mà Thủ tướng Abe phải xử lý thận trọng nhất. Giới chuyên gia cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu ông Abe vội vàng thúc đẩy cải cách điều 9 Hiến pháp về vai trò của lực lượng phòng vệ.
Việc thay đổi bản chất của bản hiến pháp hòa bình được duy trì 70 năm qua, bằng việc nâng cấp lực lượng phòng vệ thành một lực lượng quân đội đóng vai trò chủ động hơn, đã khiến không ít người lo ngại về nguy cơ cải cách Hiến pháp sẽ làm tăng nguy cơ Nhật Bản can thiệp vào các cuộc chiến tranh. Chính vì vậy, vội vàng thúc đẩy cải cách Hiến pháp chỉ càng châm ngòi cho sự tranh cãi giữa các bên và có thể sẽ làm giảm uy tín của LDP.
Nhiệm kỳ của hạ viện mới sẽ kéo dài đến tháng 10/2021 và với triển vọng lần thứ ba tái đắc cử vị trí Chủ tịch LDP trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2018, Thủ tướng Abe hoàn toàn có khả năng giữ cương vị người đứng đầu chính phủ đến năm 2021, lập kỷ lục thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sau chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử hạ viện lần này, Thủ tướng Abe đã được người dân tiếp thêm động lực để thực thi các chủ trương chính sách của mình.
Theo Vietnam+