Nguy cơ thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ - Rạn nứt quan hệ xuyên Đại Tây Dương

.

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể làm rạn nứt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, bởi các quốc gia châu Âu vẫn muốn duy trì thỏa thuận này.

Nhiều người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng ngày 12-10 chỉ trích những thay đổi đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. 			Ảnh: AFP
Nhiều người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng ngày 12-10 chỉ trích những thay đổi đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump sẽ có bài phát biểu tuyên bố thỏa thuận hạt nhân Iran (có tên Kế hoạch hành động toàn diện chung - JCPOA), không mang lại lợi ích an ninh quốc gia cho Mỹ. Theo các quan chức chính phủ, bài phát biểu của ông Trump không những đề cập những sai lầm cụ thể mà nhà lãnh đạo này phát hiện trong JCPOA, mà còn tập trung vào những hoạt động phi hạt nhân gây phiền toái của Iran. Đó là chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran; sự ủng hộ của nước Cộng hòa Hồi giáo này với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, phong trào Hezbollah của Lebanon và các nhóm khác gây bất ổn cho khu vực.

Theo luật pháp Mỹ, ngày 15-10 là thời hạn cuối để Tổng thống Trump thông báo với Quốc hội rằng Iran có tuân thủ JCPOA được ký kết năm 2015 trên cơ sở đàm phán suốt 18 tháng dưới thời ông Barack Obama hay không. Nếu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận, Quốc hội Mỹ có 60 ngày xem xét có áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt cụ thể với Tehran hay không.

JCPOA được xem là thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với nhóm cường quốc P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Theo đó, Iran hạn chế các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Song, ngay khi chưa vào Nhà Trắng, ông Trump đã muốn chống lại JCPOA. Đến khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông luôn cho rằng, JCPOA là thỏa thuận tồi tệ nhất, không mang lại lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ. Vì vậy, trong phát biểu vào ngày 13-10 hoặc vào cuối tuần này (trước thời hạn 15-10), nhiều khả năng ông Trump rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, hiện nhiều quan chức cấp cao Mỹ đứng về phía các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp châu Âu giữ quan điểm: Duy trì JCPOA là sự lựa chọn khôn ngoan hơn.

Châu Âu cho rằng, có một thỏa thuận như vậy tốt hơn không có thỏa thuận. Báo New York Times dẫn lời một quan chức thuộc Văn phòng Đối ngoại liên bang Đức cho biết: “Chúng tôi không thấy có dấu hiệu Iran vi phạm các cam kết của JCPOA”. Thời gian gần đây, các quan chức Pháp cũng đưa ra kết luận tương tự. Thậm chí, các quan chức Mỹ cũng khẳng định Tehran tuân thủ thỏa thuận.

Cũng theo báo New York Times, châu Âu có thể vẫn theo đuổi thỏa thuận mà không cần có Mỹ. Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran đã mở đường để hàng loạt công ty châu Âu làm ăn ở nước Cộng hòa Hồi giáo này. Từ năm 2015-2016, xuất khẩu của Iran sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 375%. Các công ty châu Âu cũng đã rót tiền đáng kể vào đầu tư ở Iran. Các doanh nghiệp đang vận động chính phủ của họ ngăn chặn việc hủy bỏ thỏa thuận và hy vọng Iran có thể tiếp theo tuân thủ các điều kiện đã ký nếu châu Âu không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Vì vậy, nếu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận sẽ làm phức tạp mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, trong lúc ông chủ Nhà Trắng đối mặt với sự bất đồng và tức giận từ các đồng minh xung quanh những vấn đề: chi tiêu quốc phòng, thương mại, biến đổi khí hậu…

Trong lúc đó, ngày 13-10, phát biểu tại một diễn đàn nghị viện quốc tế tại St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho rằng, nếu Mỹ rời JCPOA thì thỏa thuận này sẽ chấm dứt. Ông Larijani nhấn mạnh, bất kỳ động thái nào của Mỹ chống lại JCPOA cũng sẽ xúc phạm Liên Hợp Quốc, bởi thỏa thuận đã được cơ quan quốc tế này phê chuẩn, đồng thời gây bất ổn tình hình quốc tế; theo đó, Iran sẽ có hành động riêng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.