Bấp bênh đàm phán hòa bình Syria

.

Vòng đàm phán thứ 8 về hòa bình Syria được cho là cơ hội để Liên Hợp Quốc (LHQ) thúc đẩy tiến trình nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 6 năm. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy lần hòa đàm này sẽ thành công.

Cuộc nội chiến ở Syria đã làm hơn 340.000 người chết và tàn phá cơ sở hạ tầng của nước này.  Ảnh: Getty Images
Cuộc nội chiến ở Syria đã làm hơn 340.000 người chết và tàn phá cơ sở hạ tầng của nước này. Ảnh: Getty Images

Ngay trước thềm đàm phán, chính phủ Damascus tuyên bố có thể không cử phái đoàn đến Geneva (Thụy Sĩ). Điều này chẳng khác gì đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của LHQ trong việc tạo ra “tiến trình chính trị thật sự”, hướng đến hòa bình cho Syria. Theo kế hoạch, đàm phán khai mạc ngày 28-11 (giờ Geneva) và được xem là cơ hội để LHQ một lần nữa thúc đẩy ngoại giao, kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua ở Syria, vốn đã làm hơn 340.000 người chết và tàn phá cơ sở hạ tầng của quốc gia Trung Đông này.

Song, hãng AP dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Syria và một quan chức LHQ ngày 28-11 cho biết, phái đoàn của chính phủ Syria đến Geneva vào ngày 29-11. Ông Michael Contet, cố vấn của đặc sứ LHQ về Syria Staffan de Mistura, xác nhận LHQ đã nhận được thông điệp từ chính phủ Syria rằng, phái đoàn của Damascus sẽ đến vào ngày 29-11. Sự xuất hiện muộn này dường như cho thấy chính phủ Syria không hài lòng đối với yêu cầu kiên quyết của phe đối lập rằng, Tổng thống Bashar al-Assad phải từ nhiệm ngay trong giai đoạn đầu chuyển giao.

Tại Damascus, một quan chức ở Bộ Ngoại giao Syria cũng cho hay, phái đoàn của chính phủ sẽ tham gia đàm phán từ chiều 29-11. Phái đoàn này do đại diện của Syria tại LHQ, ông Bashar Ja’afari, dẫn đầu.

Về phía lực lượng đối lập, phái đoàn của họ đã đến Geneva vào ngày 27-11 sau khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán “vô điều kiện”.

Theo Reuters, ông Mistura luôn nhấn mạnh cấp thiết phải có tiến trình hướng đến một giải pháp chính trị. Trong quá trình chuẩn bị vòng đàm phán thứ 8, ông Mistura đã kêu gọi các bên tiến hành những hoạt động ngoại giao thật sự để đạt được thỏa thuận hòa bình; theo đó, chính phủ Syria và phe đối lập cần chủ động tham gia tiến trình đàm phán Geneva mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào; đồng thời ủng hộ những sáng kiến hỗ trợ tiến trình hòa giải của LHQ.

Bất đồng lớn nhất giữa “hai nhân vật chính” tham gia đàm phán vẫn là số phận của ông Assad. Ông Mistura từng nói với lực lượng đối lập rằng, yêu cầu lâu nay của họ về việc ông Assad phải từ chức đã không còn là vấn đề chính nữa. Thực tế, với sự ủng hộ của quân đội Nga, chính phủ của ông Assad đã giành lại quyền kiểm soát 55% đất nước từ tay phe đối lập và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong đó có những thành phố lớn như Damascus, Aleppo, Homs và Hama. Phần còn lại hiện do phe đối lập đang bị chia rẽ, các chiến binh thánh chiến và lực lượng người Kurd kiểm soát.

Phát biểu trước khi đến Geneva, người đứng đầu phái đoàn đàm phán của lực lượng đối lập, ông Nasr al-Hariri, vẫn muốn Tổng thống Assad phải ra đi để khởi đầu cho quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria. Đây là dấu hiệu cho thấy đàm phán không những vẫn bế tắc mà còn gây nhiều rắc rối cho những nỗ lực của LHQ.

Các nước phương Tây cho rằng, Nga - đồng minh của chính phủ Damascus - đang tìm kiếm vai trò hàng đầu trong tiến trình hòa bình ở Syria và Mátxcơva sẽ ủng hộ một thỏa thuận có lợi cho ông Assad. Trong lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tái khẳng định quyết tâm của Ankara muốn ông Assad từ nhiệm; còn Nga và Iran phản đối quan điểm này.

Một số nhà ngoại giao của LHQ hy vọng, lần hòa đàm này sẽ tạo đột phá. Tuy nhiên, khi những bất đồng chưa được tháo gỡ thì hòa bình cho quốc gia Trung Đông vẫn còn xa.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.