IS vẫn là nỗi ám ảnh

.

Vụ tấn công nhằm vào một đền thờ ở Ai Cập làm 305 người chết và 128 người khác bị thương cuối tuần qua cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn là nỗi ám ảnh.

Vụ tấn công đẫm máu làm người dân Ai Cập bàng hoàng.Ảnh: AFP
Vụ tấn công đẫm máu làm người dân Ai Cập bàng hoàng.Ảnh: AFP

Quy mô của cuộc tấn công đẫm máu ở bán đảo Sinai lớn hơn so với những vụ do các chiến binh thực hiện trước đây nhưng chính phủ Ai Cập phản ứng chung chung: tổ chức 3 ngày quốc tang; tái khẳng định trên các phương tiện truyền thông rằng, mọi việc vẫn được kiểm soát và Tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi cam kết sẽ trả đũa.

Các phần tử khủng bố khoảng từ 25-30 người mang mặt nạ và mặc trang phục kiểu chiến binh đã kích hoạt các thiết bị nổ tự chế tại đền thờ Hồi giáo Rawdah ở Bir al-Abed, phía tây thành phố El-Arish; sau đó nã đạn vào hàng trăm người đang cầu nguyện ngày 24-11. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng mọi nghi ngờ đều dồn vào một chi nhánh IS ở khu vực, lực lượng còn sót lại sau khi tổ chức này thất bại ở Iraq và Syria. Chi nhánh IS này có tên là Wilayat al-Sinai, từng bị nghi liên quan vụ một máy bay hành khách Nga rơi ở Sinai sau khi cất cánh từ khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh, khiến 224 người thiệt mạng hồi tháng 10-2015.

Vụ việc làm người dân Ai Cập choáng váng và tức giận. Sự tang thương bao trùm các ngôi làng. Tổng thống Sisi yêu cầu thắt chặt an ninh tại các nơi cầu nguyện cũng như những tòa nhà quan trọng. Không những thế, quân đội Ai Cập với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng đã nã đạn liên tiếp vào các mục tiêu. “Quân đội và cảnh sát sẽ báo thù cho những người đã nằm xuống ở Sinai, đồng thời dùng vũ lực để bảo đảm an ninh cũng như sự ổn định trong thời gian sắp tới”, ông Sisi nói.

Theo các nhà phân tích, vụ tấn công cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật của các phần tử cực đoan ở Sinai, vốn nhiều năm qua tập trung tấn công quân đội, cảnh sát và các nhà thờ Cơ đốc giáo. Một số nguồn tin địa phương cho hay, những người cầu nguyện là người Sufi - một trong những mục tiêu tấn công của IS bởi IS luôn xem Sufi là dị giáo. Các chiến binh IS cũng nhằm vào người Sufi và người Hồi giáo Shi’ite ở các nước khác như Iraq; đồng thời tuyên bố loại bỏ người Sufi ra khỏi Sinai cũng như Ai Cập.

Tổng thống Sisi - cựu Tư lệnh quân đội - vốn được những người ủng hộ xem là “bức tường thành” chống lại các chiến binh Hồi giáo. Sau vụ tấn công nói trên, ông cam kết “dùng sức mạnh tối đa” để chống lại những ai phải chịu trách nhiệm vụ việc. Đáng lưu ý, an ninh là lý do then chốt để ông Sisi có thể tái đắc cử vào năm tới. Vì vậy, nhà lãnh đạo này gặp thách thức lớn trong việc giải bài toán an ninh ở Ai Cập.

Vụ tấn công xảy ra khi chính phủ của ông Sisi đang tìm kiếm đầu tư nước ngoài và hoàn thành chương trình cải cách để có được hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm vực dậy nền kinh tế sau cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011.

An ninh ở Bắc Sinai - khu vực hầu hết là sa mạc, kéo dài từ kênh đào Suez đến dải Gaza và Israel - lâu nay làm giới chức Ai Cập đau đầu. Các cuộc tấn công nghiêm trọng ở Sinai xảy ra sau năm 2013, khi ông Sisi lật đổ Tổng thống Mohamed Mursi. Nhiều năm qua, bán đảo Sinai được đặt trong tình trạng khẩn cấp và toàn bộ đất nước Ai Cập cũng áp dụng tình trạng này từ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính phủ Ai Cập vẫn chưa trấn áp được cuộc nổi dậy của nhóm Wilayat al-Sinai.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.