Thủ tướng Đức Angela Merkel đang tìm cách thành lập “đại liên minh” mới với đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Song, đàm phán với SPD được cho là chỉ có thể bắt đầu vào năm tới.
Chủ tịch SPD Martin Schulz (trái) thay đổi quyết định, trở lại hợp tác với Thủ tướng Angele Merkel. Ảnh: dw.com |
Hãng Reuters dẫn lời bà Julia Kloeckner, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel nói rằng, các cuộc đàm phán với đảng SPD trung tả chỉ có thể diễn ra vào năm 2018, khiến tình trạng mất ổn định của nền kinh tế lớn nhất châu Âu kéo dài. Bà Julia Kloeckner cho hay, phải 3 tháng kể từ sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24-9, đàm phán giữa hai đảng lớn nhất mới diễn ra. “Tôi hy vọng đàm phán sẽ bắt đầu vào năm tới”, bà Julia nói.
Theo kế hoạch, ngày 30-11, với vai trò trung gian, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ chủ trì cuộc gặp với lãnh đạo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ và SPD để thảo luận về khả năng đàm phán thành lập chính phủ. Song, cuộc gặp này được cho là chỉ mang tính biểu tượng chứ chưa thật sự tháo gỡ bế tắc chính trị.
Con đường dẫn đến nhiệm kỳ thứ 4 của bà Merkel bị phủ bóng sau khi đàm phán 3 bên giữa CDU/CSU với đảng Dân chủ Tự do thân doanh nghiệp (FDP) và đảng Xanh thất bại hồi tuần trước. Giờ đây, hy vọng về một liên minh chính phủ dồn về phía SPD.
Dưới sức ép phải bảo đảm sự ổn định chính trị và tránh tổ chức bầu cử lại, SPD đảo ngược cam kết của mình, đồng ý ủng hộ chính phủ của bà Merkel, làm gia tăng triển vọng hình thành một “đại liên minh” - vốn đã điều hành đất nước 4 năm qua - hoặc một chính phủ thiểu số. Trước đó, SPD tuyên bố trở thành phe đối lập và không “bắt tay” trở lại với CDU/CSU.
Hãng Reuters cho biết, Chủ tịch SPD Martin Schulz vừa khẳng định sẽ không có một chính phủ thiểu số mà sẽ là một “đại liên minh” mới chiếm đa số trong Quốc hội. Chủ tịch Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer cũng cho rằng, chính phủ liên minh giữa CDU/CSU và SPD sẽ là “sự lựa chọn tốt nhất cho nước Đức”, thay vì liên minh với FDP và đảng Xanh, thay vì tiến hành bầu cử lại hay một chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, ông Seehofer nói rằng, SPD không nên đòi hỏi nhiều yêu sách, bởi liên minh bảo thủ của bà Merkel sẽ có thể không nhượng bộ vì không muốn đạt được thỏa thuận bằng mọi giá.
Trong khi đó, thăm dò do đài truyền hình RTL và NTV thực hiện cho thấy, chỉ 36% các thành viên SPD ủng hộ một “đại liên minh” mới. Theo thăm dò do Viện nghiên cứu Emnid thực hiện cho báo Bild am Sonntag, 52% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ liên đảng bảo thủ CDU/CSU và SPD.
Các nhà quan sát cho rằng, sau khi đàm phán 3 bên với FDP và đảng Xanh sụp đổ, việc “bắt tay” với SPD là cơ hội cuối cùng của Thủ tướng Merkel để bảo đảm có được nhiệm kỳ thứ 4. Hầu hết các chuyên gia cũng nhận định, việc tạo ra “đại liên minh” sẽ giúp những chính sách của SPD hiệu quả hơn mặc dù đảng này thất bại trong cuộc bầu cử. Phó Chủ tịch SPD Ralf Stegner kêu gọi bà Merkel mở đường cho các cuộc đối thoại với những giải pháp xây dựng niềm tin.
Thủ tướng Merkel hiện đứng trước sức ép khi nội bộ đảng của bà yêu cầu cần phải có một thỏa thuận trước Giáng sinh. Nếu không có thỏa thuận, đảng bảo thủ có thể chọn giải pháp: thành lập chính phủ thiểu số.
Một số tiêu chí được bà Merkel đề cập trong đàm phán bao gồm: cân bằng ngân sách và không có nợ mới, giảm thuế cho những người có mức thu nhập trung bình và thấp, bảo đảm nhu cầu về lực lượng cho nền kinh tế. Song, một trong những vấn đề có thể làm đàm phán bế tắc là mức trần tiếp nhận người tị nạn.
PHÚC NGUYÊN