Ông Emmerson Mnangagwa, biệt danh “Cá sấu”, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe vào ngày 24-11, chính thức chấm dứt “kỷ nguyên” của người tiền nhiệm Robert Mugabe.
Ông Emmerson Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho biết, phát biểu trong lễ nhậm chức tại sân vận động thể thao quốc gia ngoại ô thủ đô Harare, ông Emmerson Mnangagwa thề trung thành với đất nước Zimbabwe; tuân thủ, giữ gìn, bảo vệ Hiến pháp và luật pháp; đồng thời cam kết bảo vệ quyền lợi của 16 triệu dân Zimbabwe. “Người dân đã lên tiếng và tiếng nói của người dân là tiếng nói của Chúa”, ông Mnangagwa nhấn mạnh. Theo đó, ông Mnangagwa đảm đương phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông Mugabe cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 9-2018.
An ninh được thắt chặt, trong lúc những người ủng hộ tân Tổng thống reo hò, nhảy múa vì chấm dứt “triều đại” Mugabe. Các nước láng giềng của Zimbabwe bày tỏ sự ủng hộ ông Mnangagwa. Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi (SADC) cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với tân Tổng thống.
Đài truyền hình nhà nước ban đầu đưa tin, ông Mugabe có thể tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, nhưng sau đó cho hay cựu Tổng thống cùng tân Tổng thống đã trao đổi với nhau về buổi lễ và ông Mugabe “cần thời gian nghỉ ngơi”. Hãng thông tấn nhà nước Herald cũng dẫn lời ông Mnangagwa đề cập việc “bảo đảm an ninh tối đa cũng như phúc lợi cho ông Mugabe và gia đình” trong tương lai.
Ông Mnangagwa (75 tuổi) từng là Phó Tổng thống dưới thời Mugabe. Song, ngày 6-11 vừa qua, ông Mnangagwa bị cách chức và phải ra nước ngoài để tránh bị bắt giữ. Hành động sa thải này của ông Mugabe nhằm dọn đường cho vợ mình - bà Grace - lên nắm quyền đã khiến quân đội phản ứng gay gắt và dẫn đến “cuộc binh biến không đổ máu”, gây khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe trong những ngày qua. Quân đội đã ngăn cản kế hoạch của ông Mugabe tham vọng của bà Grace, đưa ông Mnangagwa trở lại chính trường.
Khi nhậm chức, ông Mnangagwa cũng nói rằng, người dân Zimbabwe đang chứng kiến “một nền dân chủ mới và toàn diện mở ra”. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, ông đã giành quyền lực từ một cuộc đảo chính quân sự.
Nền kinh tế của Zimbabwe đã sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 90%. Nhiều người dân hy vọng ông Mnangagwa sẽ thực hiện cải cách để thu hút đầu tư. Cũng theo Reuters, việc vực dậy nền kinh tế, khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống.
Song, nhiều người dân Zimbabwe tỏ ra lo lắng về tương lai của đất nước dưới thời Mnangagwa. Họ đặt câu hỏi về vai trò của ông trong các vụ thảm sát Gukurahundi tại Matabeleland năm 1983 làm 20.000 người chết. Vụ thảm sát này do Tổng thống lúc đó là ông Mugabe phát động, xuất phát từ chiến dịch chống lại những người ủng hộ lãnh đạo đối lập Joshua Nkomo. Ông Mnangagwa bác bỏ sự liên quan vụ việc này.
BÌNH YÊN