Núi lửa Agung hoạt động

Hàng chục ngàn người Bali không chịu sơ tán

* Công dân Việt Nam đã rời khu vực nguy hiểm

Bất chấp lệnh sơ tán của chính phủ Indonesia, hàng chục ngàn người dân ở Bali vẫn chưa chịu rời khỏi khu vực nguy hiểm trong phạm vi 10km từ núi Agung, khi núi lửa này hoạt động.

Theo Reuters, 43.000 người đã sơ tán, trong khi nhiều người trong số từ 90.000 - 100.000 người khác buộc phải di dời khỏi vùng nguy hiểm vẫn chưa chịu thực hiện lệnh sơ tán. Lực lượng cứu hộ Indonesia cho biết, nguyên nhân khiến một số người dân địa phương chần chừ, không muốn sơ tán vì lo ngại tài sản và an toàn của đàn gia súc, trong khi một số khác vẫn giữ thái độ chủ quan khi cho rằng “mọi thứ vẫn ổn”.  

Trong khi đó, báo The Independent (Anh) cho biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã cảnh báo Bali vẫn chưa qua “tình trạng nguy hiểm”, đồng thời thúc giục người dân trong vùng nguy hiểm nhanh chóng sơ tán.

Đến nay, cột khói dày màu xám trên miệng núi lửa đạt độ cao 7.600m. Các chuyên gia cảnh báo hoạt động của núi lửa Agung có thể trở nên tồi tệ hơn khi dòng dung nham nguội đang chảy vào các làng mạc trong lúc 90.000 du khách vẫn mắc kẹt tại khu vực.

Giới chức Indonesia đã cho phép mở cửa lại sân bay Lombok ở Bali lúc 15 giờ ngày 29-11 sau 2 ngày đóng cửa. Các hãng hàng không khu vực bao gồm Air Asia và Wings Air là những hãng hàng không đầu tiên nối lại các chuyến bay để đưa hành khách mắc kẹt rời Bali.

* Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 30-11 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, ngay sau khi Indonesia ra cảnh báo về hoạt động của núi lửa Agung, Đại sứ quán đã liên tục cập nhật thông tin qua truyền thông và ​Internet, thiết lập đường dây nóng, cử cán bộ trực, trả lời kịp thời các yêu cầu giúp đỡ của công dân và khách du lịch Việt Nam, kết nối và nhờ người dân địa phương hỗ trợ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đại sứ quán đã hướng dẫn hơn 60 công dân Việt Nam là khách du lịch tại Bali di chuyển đến nơi an toàn. Như vậy, cơ bản công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Bali đã được Đại sứ quán hỗ trợ, hướng dẫn rời khu vực nguy hiểm.

Đại sứ quán vẫn theo dõi sát tình hình và khuyến cáo khách du lịch Việt Nam không nên đến Bali vào thời điểm này cho đến khi Chính phủ Indonesia hạ mức cảnh báo. Đại sứ quán cũng cắt cử cán bộ trực đường dây nóng, có kế hoạch cử người và phương tiện hỗ trợ các công dân Việt Nam tại Bali trong trường hợp núi lửa hoạt động trở lại.

THƯ LÊ - TTXVN

;
.
.
.
.
.