Báo cáo của Ủy ban các vấn đề kinh tế - xã hội Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa được công bố ước tính có khoảng 258 triệu người đã rời nơi mình sinh ra để sinh sống tại các quốc gia khác, tăng 49% kể từ năm 2000.
Hãng AP dẫn báo cáo được công bố 2 năm một lần này cho thấy, số người thuộc diện “di cư quốc tế” trên tổng dân số toàn cầu trong năm 2017 tăng đến 3,4%, tăng nhẹ từ con số 2,8% năm 2000.
Theo báo cáo nói trên, cứ 10 người di cư thì 1 người là người tị nạn hoặc đang đăng ký xin quy chế tị nạn. Tỷ lệ người di cư đang sống ở các quốc gia có thu nhập cao tăng từ 9,6% (năm 2000) lên đến 14% (năm 2017). Cũng trong năm nay, các quốc gia thu nhập cao đã đón nhận 64% người nhập cư quốc tế trên toàn cầu, tương đương khoảng 165 triệu người. Có đến 2/3 tổng số người nhập cư trên thế giới hiện sinh sống ở 20 nước.
Theo thống kê, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số lượng người nhập cư với 49,8 triệu người, chiếm 19% tổng số người nhập cư toàn cầu. Saudi Arabia, Đức và Nga lần lượt xếp ở các vị trí tiếp theo với ước tính khoảng 12 triệu người/quốc gia; tiếp đến là Anh với khảng 9 triệu người nhập cư.
Nhóm người di cư lớn nhất (106 triệu người) đến từ châu Á. Trong đó, số người Ấn Độ sống ở nước ngoài cao nhất với 17 triệu người, tiếp theo đó là Mexico với 13 triệu người. Với các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc, Bangladesh, Syria, Pakistan và Ukraine, số người di cư hiện khoảng 6-11 triệu người/quốc gia.
LHQ đang nỗ lực kêu gọi các nước thành viên hợp tác quản lý hoạt động di cư và nhấn mạnh dòng người di cư đang mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa trên toàn thế giới. Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn giữ quan điểm bất đồng về hạn ngạch phân bổ người tị nạn.
THƯ LÊ