Trung Quốc mở rộng vai trò ở Nam Á

.

Trung Quốc và Pakistan sẽ xem xét mở rộng hành lang kinh tế trị giá 57 tỷ USD của hai nước này đến Afghanistan. Đây là một phần của dự án “Vành đai và Con đường” nhằm kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu và hơn thế nữa.

Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani (trái), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và người đồng cấp Pakistan Khawaja Asif trong cuộc gặp gỡ 3 bên ở Bắc Kinh ngày 26-12. 							Ảnh: AP
Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani (trái), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và người đồng cấp Pakistan Khawaja Asif trong cuộc gặp gỡ 3 bên ở Bắc Kinh ngày 26-12. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã xác nhận thông tin nước ông và Pakistan sẽ xem xét mở rộng hành lang kinh tế trị giá 57 tỷ USD đến Afghanistan, trong đó có các tuyến đường sắt và đường cao tốc. Phát biểu tại cuộc gặp 3 bên lần đầu tiên với hai Ngoại trưởng Pakistan và Afghanistan tại Bắc Kinh ngày 26-12, ông Vương Nghị bày tỏ hy vọng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực và đóng vai trò là động lực phát triển.

Hãng AP cho rằng, cuộc gặp 3 bên nói trên phản ánh những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng vai trò chính trị và ngoại giao ở khu vực Nam Á. Theo Reuters, Trung Quốc tự xem mình là trung gian trong việc thúc đẩy đối thoại giữa Pakistan và Afghanistan - hai quốc gia ở Nam Á vốn có quan hệ không nồng ấm kể từ khi Islamabad giành độc lập năm 1947. Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa hai nước này xuống thấp khi Afghanistan cáo buộc Pakistan ủng hộ lực lượng nổi dậy Taliban chống lại chính phủ Kabul nhằm hạn chế ảnh hưởng của đối thủ Ấn Độ ở Afghanistan. Pakistan bác bỏ cáo buộc này và khẳng định Islamabad muốn thấy một đất nước Afghanistan hòa bình, ổn định.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, Afghanistan cấp thiết cần phát triển và cải thiện cuộc sống của người dân. Ông cũng hy vọng Kabul có thể tham gia các sáng kiến kết nối nói trên, đồng thời cho biết Pakistan và Afghanistan đã thống nhất hàn gắn quan hệ. “Vì vậy, Trung Quốc và Pakistan sẵn sàng nhìn về Afghanistan trên cơ sở các nguyên tắc các bên cùng có lợi, sử dụng phương tiện phù hợp để mở rộng CPEC đến Afghanistan”, ông Vương Nghị nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif không trực tiếp đề cập về khả năng Afghanistan tham gia CPEC hay không. “Việc thực hiện thành công các dự án CPEC sẽ là hình mẫu cho việc tăng cường kết nối và hợp tác thông qua các dự án tương tự với những nước láng giềng, bao gồm Afghanistan, Iran và những nước Trung Á cũng như Tây Á”, ông Asif nói.

Trung Quốc muốn đưa Afghanistan và Pakistan xích lại gần nhau, một phần vì Bắc Kinh lo ngại các chiến binh Hồi giáo mở rộng phạm vi hoạt động từ hai nước Nam Á này đến Tân Cương, khu vực bất ổn ở phía tây Trung Quốc. Việc Afghanistan và Pakistan cải thiện quan hệ cũng sẽ giúp giải quyết tốt hơn vấn đề bạo lực ở mỗi nước, đồng thời tạo sự đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban ở Afghanistan. Pakistan chủ trì đàm phán giữa Kabul và Taliban vào tháng 7-2015. Kể từ đó, các nhà ngoại giao Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc và Mỹ dù nỗ lực nhưng không thể tổ chức thêm cuộc hòa đàm nào khác.

Về phía Ấn Độ, nước này quan tâm CPEC bởi dự án này đi qua vùng tranh chấp Kashmir - khu vực hiện do Pakistan chiếm giữ nhưng New Delhi cũng tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, ông Vương Nghị khẳng định, dự án không liên quan các vùng tranh chấp.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.