Bà Merkel chật vật lập chính phủ

.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang nỗ lực thành lập một đại liên minh cầm quyền nhằm đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua khủng hoảng sau cuộc bầu cử không thành công của bà vào tháng 9-2017.

Thủ tướng Angela Merkel kỳ vọng đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đồng ý liên minh với đảng của bà.  Ảnh: Reuters
Thủ tướng Angela Merkel kỳ vọng đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đồng ý liên minh với đảng của bà. Ảnh: Reuters

Đàm phán chính thức giữa Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Martin Schulz diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 7-1, là dịp để hai bên tìm tiếng nói chung trong việc hình thành đại liên minh, hướng đến thành lập chính phủ trước tháng 3 hoặc tháng 4 tới.

Tuần trước, các bên ra tuyên bố chung bày tỏ lạc quan về đàm phán. Tuy nhiên, theo AFP, đàm phán sẽ không thuận lợi khi có những vấn đề gai góc đặt ra như việc hơn 1 triệu người tìm kiếm tị nạn đã đến Đức kể từ năm 2015 đến nay.

Trong Quốc hội hiện nay, đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) là “người mới đến” khi giành hơn 90 ghế, trong khi CDU/CSU về nhất nhưng không chiếm đa số. Còn SPD miễn cưỡng tham gia đàm phán, bởi trước đó họ tuyên bố trở thành phe đối lập và không “bắt tay” trở lại với CDU/CSU. Theo Reuters, việc SPD liên minh với CDU/CSU là giải pháp tốt nhất để thành lập một chính phủ ổn định, giúp Thủ tướng Merkel có thêm nhiệm kỳ thứ tư, sau khi nỗ lực đàm phán của bà với 2 đảng nhỏ hơn là đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã thất bại hồi năm ngoái.

Thực tế, các nghị sĩ phản đối việc liên kết với CDU/CSU đang chiếm ưu thế trong SPD. Được gọi là “NoGroKo”, nghĩa là “không có đại liên minh” (no grand coalition), nhóm này cho rằng việc “bắt tay” với CDU/CSU sẽ chỉ làm tổn hại đến những lá phiếu của SPD và mang lại lợi ích cho lãnh đạo AfD đối lập. “SPD rất hoài nghi về việc trở lại đại liên minh”, nghị sĩ Manuela Schwesig, thành viên cấp cao của SPD phát biểu với đài Deutschlandfunk.

Ông Norbert Roemer, người đứng đầu SPD tại Bắc Rhine-Westphalia, nói với báo RND rằng không có nghị sĩ nào ở khu vực của ông ủng hộ đại liên minh, không như 4 năm trước, và họ không còn tin tưởng bà Merkel. Theo ông Volker Bouffier, thành viên cấp cao trong CDU, các đảng cũng bất đồng về những vấn đề: nhập cư, thuế, chăm sóc sức khỏe và châu Âu. Ông Bouffier cho rằng, sẽ không thể thành lập được đại liên minh. Ông Horst Seehofer, người đứng đầu CSU, cũng có suy nghĩ tương tự.
Trong lúc đó, Chủ tịch SPD Martin Schulz hàm ý, các đảng sẽ thương lượng không chỉ về vấn đề nhập cư, mà còn về các yêu cầu phúc lợi xã hội… Khẳng định với báo Bild của Đức, ông cũng nói rằng đàm phán “sẽ rất khó khăn”.

Khảo sát trên kênh truyền hình ARD của Đức cho thấy, chỉ 45% số người được hỏi muốn tái khởi động “một đại liên minh” giữa CDU/CSU với SPD, trong khi 52% bày tỏ hoài nghi. Bên cạnh đó, 51% số người được hỏi ủng hộ tổ chức cuộc bầu cử mới, trong khi 53% ủng hộ bà Merkel tiếp tục nhiệm kỳ trên cương vị Thủ tướng.

Nếu đàm phán lần này thất bại, Đức có thể đối mặt với 2 kịch bản: một là bầu cử lại; hai là lần đầu tiên trong lịch sử thời hậu chiến, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ có một chính phủ thiểu số dưới sự lãnh đạo của bà Merkel. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Rachel Tausendfreund thuộc Quỹ German Marshall nhận định, một thỏa thuận vẫn là lựa chọn tốt nhất không chỉ cho nước Đức mà còn cho cả châu Âu.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.