Việc Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên thống nhất sẽ đối thoại cấp cao giữa hai bên vào ngày 9-1 được cho là cơ hội hiếm hoi để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 hồi năm ngoái. Ảnh: AP |
Hãng AFP cho biết, quyết định của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên được đưa ra vào ngày 5-1, chỉ vài giờ sau khi Seoul và Washington hoãn các cuộc tập trận quân sự chung cho đến khi kết thúc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang (Thế vận hội Pyeongchang). Đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ tháng 12-2015 đến nay. Cuộc gặp trước đó diễn ra vào tháng 12-2015 tại Bàn Môn Điếm, làng đình chiến trong khu vực phi quân sự chia tách bán đảo Triều Tiên.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan này đã nhận được bản fax từ ông Ri Son-Gwon, Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên xác nhận phía Bình Nhưỡng sẽ đến Nhà hòa bình tại Bàn Môn Điếm vào ngày 9-1. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Baek Tae-Hyun cho biết, nội dung đàm phán bao gồm Thế vận hội Pyeongchang và vấn đề cải thiện quan hệ liên Triều. Thành phần tham dự và số lượng thành viên của phái đoàn cũng được đề cập trong bản fax. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, đàm phán cấp cao giữa hai miền Triều Tiên là “điều tốt đẹp”, mặc dù Washington luôn khẳng định sẽ không đàm phán với Bình Nhưỡng, trừ khi quốc gia châu Á này có những bước đi cụ thể nhằm giải giáp hạt nhân.
Năm 2017, căng thẳng tăng cao sau khi CHDCND Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa, trong đó có các tên lửa đạn đạo liên lục địa, và thử hạt nhân lần thứ 6, cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất của nước này. Trong thông điệp đầu năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng, ông có một “nút hạt nhân” sẵn trên bàn nhưng lại chìa cành oliu cho Hàn Quốc khi nói rằng Bình Nhưỡng có thể cử một phái đoàn đến tham dự Thế vận hội Pyeongchang diễn ra ở quốc gia phía nam này từ ngày 9 đến 25-2. Điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của Bình Nhưỡng. Seoul phản hồi tích cực bằng đề nghị đối thoại. Đường dây nóng giữa hai miền, vốn bị cắt đứt 2 năm qua, cũng được khôi phục.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hồi năm ngoái, với những cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Bình Nhưỡng, những tưởng phủ bóng lên Thế vận hội Pyeongchang. Các nhà tổ chức đã thúc giục Triều Tiên tham gia sự kiện này, thay vì tẩy chay như Bình Nhưỡng từng làm đối với Thế vận hội Mùa hè năm 1988 ở Hàn Quốc.
Một vấn đề khác cũng làm “nóng” bán đảo Triều Tiên, đó là các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng luôn cho rằng, đây là hành động diễn tập cho một cuộc xâm lược.
Tuy nhiên, ngày 4-1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump thống nhất hoãn các cuộc tập trận quân sự chung mang tên “Đại bàng non” (Foal Eagle) và “Giải pháp then chốt” (Key Resolve). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lý giải, việc hoãn tập trận vì những lý do thực tiễn hơn là vì những lý do chính trị, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Thế vận hội đối với công nghiệp du lịch của Hàn Quốc. Song, ông Mattis cũng nói thêm rằng, Washington sẽ không giảm áp lực với Bình Nhưỡng ở những lĩnh vực khác.
Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hoan nghênh hai miền Triều Tiên đang có “những bước đi tích cực nhằm khôi phục quan hệ”, đồng thời gọi việc việc hoãn tập trận là “điều tốt đẹp”.
Hàn Quốc và Mỹ nhất trí lên kế hoạch thực hiện cuộc tập trận chung mang tên “Giải pháp then chốt” (Key Resolve) vào nửa cuối tháng 4 tới, đồng thời đang tham vấn về kế hoạch tập trận “Đại bàng non” (Foal Eagle). |
PHÚC NGUYÊN