"Con đường tơ lụa" kết nối châu Âu - Trung Quốc

.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục châu Âu tham gia dự án hồi sinh “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Kinh sẽ có sự khởi đầu mới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa, hàng trước) và đệ nhất phu nhân Brigitte Macron thăm thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây - nơi xuất phát “Con đường tơ lụa” cổ xưa. Ảnh: AFP/Getty Images
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa, hàng trước) và đệ nhất phu nhân Brigitte Macron thăm thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây - nơi xuất phát “Con đường tơ lụa” cổ xưa. Ảnh: AFP/Getty Images

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2018 của Tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu ngày 8-1. Theo đó, Trung Quốc là điểm đến của ông chủ Điện Elysée với thông điệp về sự gắn kết giữa EU và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thông qua dự án hồi sinh “Con đường tơ lụa” - sáng kiến của Bắc Kinh nhằm kết nối châu Á với châu Âu bằng đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Hãng AFP cho biết, có mặt tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây - nơi xuất phát của “Con đường tơ lụa” cổ xưa kết nối phương Đông và phương Tây, Tổng thống Macron kêu gọi châu Âu tham gia dự án “Con đường tơ lụa”, đồng thời thúc giục hai bên hợp tác chống biến đổi khí hậu trong lúc Mỹ muốn rút khỏi thỏa thuận Paris. “Số phận của chúng ta được gắn kết... Tương lai cần Pháp, châu Âu và Trung Quốc”, nhà lãnh đạo Pháp nói và cho hay ông sẽ đến Trung Quốc “ít nhất 1 lần/năm”.

Theo hãng CNBC, chương trình nghị sự của Tổng thống Macron và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình là việc thúc đẩy thương mại song phương. Đến Trung Quốc, ông Macron dẫn đầu phái đoàn khoảng 50 đại diện doanh nghiệp hàng đầu của Pháp. Cũng như các nước khác, Pháp cũng muốn tăng cường tiếp cận thị trường và người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dự án “Con đường tơ lụa” - chương trình cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD được xem là sự hồi sinh hiện đại của “Con đường tơ lụa” cổ xưa, vốn từng đưa vải và hàng loạt hàng hóa khác đến cả hai hướng (châu Á và châu Âu). Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc hiện tại lấy cảm hứng từ “Con đường tơ lụa”, được Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình xem là “dự án thế kỷ”. Toàn bộ “Vành đai và Con đường” kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu.

Cũng theo AFP, châu Âu vốn lo ngại và xem dự án nói trên là sự bành trướng của Trung Quốc. Tổng thống Macron nói rằng, trong sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu, Pháp có thể hỗ trợ xây dựng một “Con đường tơ lụa mới” với các tuyến đường sắt, các cảng và cơ sở hạ tầng khác khắp châu Á và châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng khi châu Âu và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác trên sáng kiến nói trên và nước ông sẵn sàng đóng vai trò hàng đầu trong sự hợp tác này. Tuy nhiên, Tổng thống Macron cảnh báo việc thực hiện dự án cần trong khuôn khổ “mối quan hệ đối tác bình đẳng”, trong lúc thâm hụt thương mại của Pháp với Trung Quốc là 30 tỷ euro (36 tỷ USD).

Hãng Reuters cho rằng, chuyến công du chính thức đầu tiên của Tổng thống Macron đến châu Á đánh dấu một chương mới trong chính sách ngoại giao của ông, vốn từ trước đến nay tập trung vào châu Âu và châu Phi. Ông cũng tìm kiếm “mối quan hệ chiến lược” với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề, trong đó có chống khủng bố.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông sẽ trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc “tiến hành cuộc chiến khí hậu” bằng cách gia tăng cam kết của cả Paris lẫn Bắc Kinh nhằm chống lại sự ấm nóng toàn cầu tại hội nghị COP 24 ở Ba Lan cuối năm ngoái. Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi Trung Quốc, nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, giữ cam kết và thể hiện trách nhiệm đối với thỏa thuận Paris sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này. “Sự hợp tác sẽ làm thế giới thấy Pháp và Trung Quốc có thể làm hành tinh của chúng ta đẹp trở lại”, ông Macron nói.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.