Đàm phán Israel - Palestine: Mỹ hy vọng "kỷ nguyên mới"

.

Đến Jerusalem ngày 22-1, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bày tỏ hy vọng về “bình minh của kỷ nguyên mới” trong những nỗ lực thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.  Ảnh: AFP
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP

Bất chấp chuyến công du Trung Đông bị người Palestine tẩy chay, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vẫn đến Jerusalem, bày tỏ hy vọng rằng “chúng ta đang ở thời điểm bình minh của kỷ nguyên mới khi các cuộc đàm phán được nối lại nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên”.

Chuyến công cán này ban đầu dự kiến được thực hiện vào tháng 12-2017, nhưng sau đó bị hoãn do làn sóng phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel dấy lên khắp Trung Đông. Jerusalem là chặng dừng chân cuối cùng của ông Pence sau khi thăm Ai Cập và Jordan cũng như một căn cứ quân sự của Mỹ gần biên giới Syria.

Hãng AFP cho biết, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas từ chối gặp ông Pence. Vì vậy, đây là chuyến công du hiếm hoi của một quan chức cấp cao Mỹ không có các cuộc gặp gỡ với người Palestine.

Ngoại trưởng Palestine Riad al-Malki nói với AFP rằng, ông Abbas gặp các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) ngày 22-1 với mong muốn các nhà ngoại giao này sẽ công nhận nhà nước Palestine và xem đây là cách để đáp trả lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.

Ông Abbas từng mô tả việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là “cái tát vào mặt”, đồng thời tuyên bố Mỹ không còn là trung gian hòa giải trong các cuộc hòa đàm ở Trung Đông. Ông Abbas cũng tiến hành chuyến công cán nước ngoài trước khi ông Pence đến Jerusalem.

Palestine cho rằng, việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là bất hợp pháp. “Chính phủ Mỹ không được góp phần làm căng thẳng leo thang hơn nữa”, ông Nabil Abu Rdainah, người phát ngôn của ông Abbas nói.

Người Palestine muốn đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Trong khi đó, Israel - vốn xâm chiếm đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận - xem toàn bộ thành phố này là “vĩnh cữu và không thể phân chia”.
Tại Jerusalem, đương nhiên Israel chào đón Phó Tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi ông Pence là “người bạn thân”. Trong cuộc gặp gỡ nhà lãnh đạo Israel, ông Pence nhấn mạnh, quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem là tuyên bố lịch sử để “tạo cơ hội mở ra những cuộc đàm phán thiện chí”. Cả ông Pence lẫn ông Netanyahu đều khẳng định: “Thủ đô của Israel là Jerusalem”.

Theo các quan chức Mỹ, phải mất 3 năm để di chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem. Song, có những đồn đoán rằng, ông Pence có thể rút ngắn khoảng thời gian này, chẳng hạn sẽ chuyển đổi một trong những tòa nhà lãnh sự quán của Mỹ ở Jerusalem thành đại sứ quán. Thủ tướng Netanyahu kỳ vọng điều này sẽ nhanh chóng diễn ra, có thể trong vòng 1 năm.

Các nhà quan sát cho rằng, với sự tẩy chay của người Palestine, việc Phó Tổng thống Mỹ thăm Trung Đông thực tế không tạo ra nhiều cơ hội để thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Các nước Arab cũng không đặt kỳ vọng quá nhiều về một sự “đột phá” trong chuyến thăm này, mà đây chỉ đơn thuần là dịp thúc đẩy mối quan hệ giữa Israel và Mỹ “vững mạnh nhất từ trước tới nay”, như tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu. Và vấn đề Jerusalem - chìa khóa đối với người Hồi giáo, Kitô giáo cũng như người Do Thái, đồng thời là chìa khóa cho hòa bình khu vực - vẫn là bài toán khó.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.