Triều Tiên vừa bất ngờ tuyên bố hủy chương trình biểu diễn chung với Hàn Quốc diễn ra vào ngày 4-2 tại khu du lịch núi Kim Cương.
Giải thích cho quyết định đột ngột này, Triều Tiên cho rằng, truyền thông Hàn Quốc đã liên tục có nhiều bài viết thành kiến với Triều Tiên, thậm chí động chạm đến cả những sự kiện kỷ niệm trọng đại trong nội bộ nước này, bao gồm lễ duyệt binh nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên, kiến được dự tổ chức vào ngày 8-2 tới.
Ảnh minh họa: AP |
Việc tổ chức biểu diễn văn hóa chung tại khu vực núi Kim Cương và một số sự kiện chung khác trước đó đã được hai miền nhất trí sau các cuộc đàm phán liên Triều. Tuy nhiên, hiện dấy lên nhiều tranh cãi liên quan đến việc phái đoàn hai miền di chuyển qua lại hai nước để chuẩn bị cho các sự kiện chung nói trên và cả về những biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tỏ ra thất vọng và lấy làm tiếc vì quyết định đơn phương của Triều Tiên, nhấn mạnh trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vừa có những dấu hiệu “khởi sắc”, thì điều quan trọng trước mắt là cần hoàn thành các thỏa thuận trước đó, dựa trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Phía Hàn Quốc còn cho rằng động thái thể hiện sự “nóng giận” của Triều Tiên có thể phương hại tới cơ hội hiếm hoi của 2 bên trong việc cải thiện quan hệ vốn luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”.
Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây liên tục đối mặt với không ít những chỉ trích về việc đồng ý với sự tham gia của Triều Tiên trong Thế vận hội mùa Đông, đặc biệt là với quyết định thành lập một đội khúc côn cầu trên băng với các nữ vận động viên từ hai miền Triều Tiên.
Nhiều người Hàn Quốc cho rằng, một đội khúc côn cầu nữ kết hợp như vậy là không công bằng với các vận động viên Hàn Quốc. Sự việc đang được đẩy đi khá xa khi có tới hàng trăm kiến nghị đã được gửi tới trang web của Nhà Xanh để phản đối việc lập đội khúc côn cầu chung này.
Chưa kể, chính phủ Hàn Quốc cũng đang ở thế khó khi đối mặt với nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế, nếu nước này quá nhiệt tình trong việc “trải thảm đỏ” đón phái đoàn Triều Tiên tới dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang sắp tới.
Sau khi Triều Tiên thông báo hủy buổi biểu diễn văn hóa liên Triều ở khu du lịch núi Kim Cương- một trong chuỗi các sự kiện diễn ra trên bán đảo Triều Tiên ngay trước thềm Thế vận hội mùa Đông tại PyeongChang, Hàn Quốc, còn dấy lên nhiều lo ngại về việc hủy triển khai tập huấn chung hai miền ở khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong dự kiến bắt đầu từ ngày mai (31/1) và một số sự kiện chung khác.
Việc Triều Tiên vừa khẳng định không còn lựa chọn nào khác ngoài hủy bỏ buổi biểu diễn văn hóa chung với Hàn Quốc được tổ chức tại núi Kim Cương, theo giới quan sát, chắc chắn sẽ khiến Hàn Quốc không khỏi thất vọng bởi lẽ Seoul đang đặt rất nhiều kỳ vọng nhờ Thế vận hội PyeongChang sẽ thúc đẩy hòa giải liên Triều, khơi thông bế tắc trong vấn đề hạt nhân.
Cơ hội vừa mới nhen nhóm lại bị dập tắt, tuy vậy phía Hàn Quốc vẫn vừa khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi và thúc đẩy các dự án chung khác với Triều Tiên. Giới chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc vừa tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang đàm phán về việc cử các vận động viên Hàn Quốc tới đào tạo tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong của Triều Tiên.
Dường như Hàn Quốc vẫn đang tỏ rõ quyết tâm tiếp tục thúc đẩy chủ trương đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, cũng như tìm kiếm "bước ngoặt" trong các nỗ lực kiến tạo nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Đây cũng là nỗ lực mà cộng đồng quốc tế đều nhất trí ủng hộ. Chỉ cách đây vài ngày, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn nhấn mạnh rằng Trung Quốc “cam kết mục tiêu phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình và sự ổn định tại khu vực này, và ủng hộ việc giải quyết các vấn đề thông qua những biện pháp hòa bình”.
Trong khi đó, hôm qua giới chức Pháp cũng lên tiếng phản đối giải pháp quân sự với vấn đề Triều Tiên. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian nói: “Tôi không nghĩ rằng bất kỳ bên nào liên quan tới vấn đề hạt nhân Triều Tiên lại lựa chọn giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng này, ít nhất là ngoài khả năng rằng Triều Tiên sẽ khởi xướng hành động quân sự trước”.
Tuyên bố này cũng trùng với nhận định của không ít chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, chắc chắn không có giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên và nếu xảy ra bất kỳ chiến dịch quân sự, giới chức Triều Tiên sẽ thực thi năng lực mà họ đang có và khi đó sẽ kết thúc bi thảm không chỉ cho khu vực mà còn cho toàn thế giới.
Theo VOV