Khó tìm hòa bình cho Syria

.

Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ diễn ra ngày 29 và 30-1 tại thành phố Sochi (Nga) nhưng các chuyên gia cho rằng, sẽ khó mang lại giải pháp chính trị cho tương lai của Syria do phe đối lập tuyên bố tẩy chay sự kiện này.

Sáng kiến đối thoại của Nga nhằm thúc đẩy hòa bình ở Syria. Trong ảnh: Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) theo dõi diễu binh tại căn cứ không quân Hemeimeem ở Syria. Ảnh: Reuters
Sáng kiến đối thoại của Nga nhằm thúc đẩy hòa bình ở Syria. Trong ảnh: Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) theo dõi diễu binh tại căn cứ không quân Hemeimeem ở Syria. Ảnh: Reuters

Hãng tin Al Jazeera cho biết, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ở Nga, đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria, ông Staffan de Mistura đến Sochi với mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán Syria diễn ra trước đó tại Geneva (Thụy Sĩ).

Trong lúc đó, phe đối lập - Ủy ban Đàm phán Syria (SNC, còn được gọi là Ủy ban Đàm phán Cấp cao - HNC) của Syria tuyên bố tẩy chay đối thoại, cho rằng sự kiện này nhằm chấm dứt nỗ lực của LHQ trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận. SNC cáo buộc chính phủ của Tổng thống Assad và Nga tiếp tục dựa vào sức mạnh quân sự, không sẵn sàng bước vào đàm phán thật sự khi cuộc nội chiến bước sang năm thứ 7 với tổng cộng hơn 340.000 người chết. Các quan chức tại khu vực tự trị người Kurd ở Syria cũng tuyên bố không tham dự đối thoại bởi chiến dịch “Nhành oliu” của Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra ở thành phố Afrin, khu vực do người Kurd kiểm soát ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, một số cá nhân thuộc SNC bất đồng chính kiến với lực lượng này đã có mặt tại Sochi.

Theo AFP, một trong những mục tiêu chính của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là tìm kiếm sự đồng thuận về tiến trình cải cách hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử do LHQ giám sát tại quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã khẳng định như vậy với những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 năm ngoái. Ngoài ra, đàm phán hướng đến sự chuyển tiếp chính trị và một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, nhưng vấn đề mấu chốt mà các bên quan tâm vẫn là số phận của Tổng thống Assad. Các chuyên gia nhận định, vòng đàm phán này cũng sẽ vô ích bởi không tạo ra đột phá, như các cuộc hòa đàm tại Geneva trước đó. Hơn nữa, trong khi chính phủ Syria kiên quyết bác bỏ việc ông Assad từ chức, phe đối lập vẫn muốn việc nhà lãnh đạo rời cương vị là điều kiện tiên quyết để hòa bình.

Nga cũng không đặt nhiều hy vọng vào hòa đàm tại Sochi. Ngày 29-1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận với báo giới rằng, sẽ khó có đột phá! Song, ông Peskov nhấn mạnh, đối thoại Sochi là bước đi rất quan trọng hướng đến hòa bình và các đại diện sẽ không phá hỏng hay làm giảm tính quan trọng của sự kiện này.

Các nước phương Tây hoài nghi về sáng kiến hòa bình của Nga, cho rằng Mátxcơva đang muốn hủy hoại các cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ và gia tăng sức mạnh cho đồng minh Assad. Việc Nga có mặt tại Syria vào tháng 9-2015 với chiến dịch không kích mạnh mẽ đã làm thay đổi cục diện theo hướng có lợi cho Tổng thống Assad. 2 năm sau, đến tháng 12-2017, Tổng thống Putin tuyên bố nhiệm vụ của Nga đã hoàn thành và rút quân khỏi Syria.

Đặc phái viên Staffan de Mistura cũng thừa nhận, các vòng đàm phán ở Geneva hay ở Astana (Kazakhstan) vẫn thiếu tiến triển để tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Giờ đây, các chuyên gia như ông Omar Kouch, nhà phân tích chính trị về Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng không dự đoán được kịch bản nào tại Sochi bởi SNC sẽ không chấp nhận giải pháp nào được đưa ra; các bên tham gia hòa đàm chủ yếu vì lợi ích phe phái chính trị của mình, chứ không vì lợi ích của các thành phần trong cộng đồng dân tộc Syria. Hơn nữa, sự tẩy chay của phe đối lập sẽ phủ bóng lên kết quả của đối thoại, làm sự kiện này mất đi ý nghĩa và Nga không thể xác lập được vị thế tại Syria thời hậu IS.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.