Bất đồng giữa Mỹ và đồng minh Pakistan thêm sâu sắc với việc Mỹ tuyên bố cắt viện trợ an ninh cho quốc gia Nam Á này.
Mỹ trong tuần qua tuyên bố chính thức ngừng viện trợ an ninh cho Pakistan cho tới khi quốc gia Nam Á này có hành động kiên quyết chống phiến quân Taliban và nhóm Haqqani, những tổ chức mà Mỹ coi là tác nhân gây mất ổn định khu vực.
Binh sĩ quân đội Pakistan. Ảnh: Samaa TV. |
Quyết định này của Mỹ không những đào sâu thêm bất đồng với đồng minh truyền thống trong khu vực, mà còn tác động khá lớn đến cuộc chiến chống khủng bố phức tạp tại Afghanistan.
Khoản viện trợ an ninh của Mỹ cho Pakistan được dùng để trang trải các vụ chuyển giao trang thiết bị quân sự và tài trợ những chiến dịch chống khủng bố của quốc gia Nam Á này.
Phía Mỹ không tiết lộ số tiền này, song có thông tin cho rằng khoản viện trợ trị giá ít nhất 900 triệu USD. Mỹ là một nước hỗ trợ lớn cho Pakistan, nhưng câu hỏi đặt ra sau quyết định cắt viện trợ của Mỹ là, ai sẽ chịu sức ép lớn nhất: Pakistan hay chính liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống các nhóm cực đoan tại Afghanistan?
Muhammed Umer Daudzai, cựu Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan cho rằng, áp lực lên Pakistan thời điểm này là quá muộn. Pakistan đã phát triển được các mối quan hệ đồng minh trong khu vực, có thể giúp đỡ họ vượt qua được những cú sốc tài chính. Trước tuyên bố đóng băng viện trợ của Mỹ, một số quan chức Pakistan cho rằng, bước đi của Mỹ đã đẩy Pakistan gần Trung Quốc hơn với các dự án hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng lên đến 60 tỉ USD theo chương trình "Vành đai và Con đường”. Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif còn thẳng thừng tuyên bố “ Thế giới đủ rộng và nước Mỹ không nuôi ăn người dân Pakistan”.
Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Pakistan Amir Rana nhận định, Pakistan có thể tự mình đối phó với các thách thức: “Thực tế viện trợ an ninh của Mỹ dành cho Pakistan cũng không nhiều như trước đây. Nước này cũng hoàn toàn tự đảm bảo các chiến dịch quân sự lớn tại các khu vực bộ lạc và an ninh với biên giới Afghanistan. Pakistan có thể làm và đối phó với các thách thức . Pakistan hiện có nhiều lựa chọn để thay thế”.
Còn đối với liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống Taliban, thiếu vắng sự hợp tác của Pakistan sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến phức tạp tại Afghanistan cũng như trong khu vực. Pakistan được cho là có sức mạnh tình báo quân sự ảnh hưởng lớn đến nhóm Taliban cũng như mạng lưới Haqqani đứng đằng sau nhiều cuộc tấn công qui mô lớn tại các thành phố Afghanistan.
Qua mối liên hệ này, Pakistan có khả năng kiểm soát một số cuộc tấn công tại Afghanistan. Một số chuyên gia phân tích cũng lo ngại, sức ép của Mỹ với Pakistan có thể làm gia tăng bạo lực tại Afghanistan. Afghanistan đang chứng kiến các vụ đánh bom gia tăng tại các thành phố trong những tháng mùa đông, thời điểm vốn các vụ tấn công giảm so với trong năm. Ngoài ra, căng thẳng chính trị gia tăng cũng ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu người tị nạn Afghanistan đang ở Pakistan.
Là một quốc gia có vị trí chiến lược, Pakistan là tuyến đường tiếp tế quan trọng của lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Ngay sau quyết định của Mỹ, các quan chức Pakistan bày tỏ tức giận và cảnh báo bước đi của Mỹ. Một số người đề xuất cắt tuyến đường tiếp tế trên bộ tới Afghanistan, trong khi một lựa chọn khác đặt ra đó là đóng cửa không phận với Mỹ. Đã xảy ra những căng thẳng trong quá khứ khiến Pakistan chặn tuyến đường tiếp tế của quân đội Mỹ, buộc Mỹ phải dựa vào con đường đắt đỏ hơn nối cảng Baltic và Caspian thông qua Nga và Trung Á. Tuy nhiên tuyến đường này cũng đối mặt với nhiểu rủi ro do mối quan hệ đầy trắc trở giữa Mỹ và Nga.
Thực tế Nga và Trung Quốc cũng đều lo ngại sự gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Afghanistan. Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Afghanistan ở Kabul Davyd Moradian cho rằng, nếu Mỹ sử dụng biện pháp ngoại giao tích cực, nước này có thể thuyết phục các quốc gia quan trọng, phối hợp trong nỗ lực chung ổn định tình hình Afghanistan, bởi vì các nước này sẽ không thỏa hiệp về an ninh quốc gia vì lợi ích của Pakistan.
Theo VOV