Mỹ lập lờ trừng phạt Palestine

.

Thay vì rót 125 triệu USD cho Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (LHQ - UNRWA), Mỹ chỉ rót 60 triệu USD, giữ lại 65 triệu USD. LHQ phải kêu gọi “hầu bao” của các nước khác trên thế giới.

Người dân Palestine phản đối việc Mỹ giảm viện trợ. 		                  Ảnh: Reuters
Người dân Palestine phản đối việc Mỹ giảm viện trợ. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, ngày 17-1, ông Pierre Krähenbühl, người đứng đầu UNRWA, kêu gọi sự đóng góp của thế giới sau khi Mỹ giảm 1/2 số tiền viện trợ cho tổ chức này trong gói 125 triệu USD. Ông Krähenbühl nói rằng, động thái của Washington có thể gây bất ổn ở khu vực. Ông cũng sẽ tiến hành chiến dịch gây quỹ toàn cầu nhằm tiếp tục duy trì hoạt động của các trường học, các cơ sở y tế cho những người tị nạn Palestine trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

The ông Krähenbühl, 525.000 bé trai và bé gái ở 700 trường học của UNRWA cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người Palestine có thể bị ảnh hưởng từ việc giảm viện trợ. “Việc giảm đóng góp cũng tác động đến an ninh khu vực trong lúc Trung Đông đối mặt với nhiều nguy cơ và đe dọa, nhất là tình trạng cực đoan hóa”, ông Krähenbühl nói.

Vốn tức giận về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, người Palestine chỉ trích quyết định nói trên, cho rằng việc giảm viện trợ có thể gây khó khăn cho Dải Gaza, nơi UNRWA đang hỗ trợ hơn 1/2 trong số 2 triệu dân nơi đây, khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến 46%. Cuộc sống của những người này phụ thuộc vào UNRWA và các cơ quan nhân đạo khác.

UNRWA được Đại hội đồng LHQ thành lập vào năm 1949 sau khi hàng trăm ngàn người Palestine rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến tranh năm 1948. Hiện UNRWA cung cấp viện trợ cho hơn 5 triệu người tị nạn Palestine ở khắp Trung Đông.

Theo yêu cầu của Mỹ, UNRWA phải cải tổ thì mới được giải ngân tiếp 65 triệu USD viện trợ, mặc dù 125 triệu USD là con số quá ít ỏi so với hơn 350 triệu USD mà cường quốc hàng đầu thế giới rót cho tổ chức này trong năm 2017. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, quyết định nói trên không nhằm trừng phạt bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, động thái của Washington có thể được xem là hành động trừng phạt Palestine, bởi trong thông điệp trên Twitter ngày 2-1 vừa qua, Tổng thống Trump viết rằng, nước ông đã cho người Palestine “hàng trăm triệu USD mỗi năm nhưng không được đánh giá cao hoặc tôn trọng”. Ông cũng viết thêm rằng, với việc người Palestine “không còn sẵn sàng đàm phán hòa bình thì vì sao chúng ta vẫn viện trợ thêm cho họ?”. Tất nhiên, trong quyết định giảm viện trợ lần này, các quan chức Mỹ không đề cập đến những gì mà ông Trump đã viết trên Twitter, chỉ nói rằng Washington là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA trong nhiều thập niên.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ủng hộ bước đi của Mỹ. Ông Netanyahu vốn kêu gọi giảm dần viện trợ cho UNRWA và chuyển trách nhiệm của cơ quan này cho cơ quan tị nạn toàn cầu của LHQ (UNHCR). Thời gian gần đây, ông Netanyahu cũng đề nghị dần giải thể UNRWA, thậm chí gay gắt rằng UNRWA cần biến khỏi trái đất và chuyển tiền viện trợ sang UNHCR, bởi sự tồn tại của tổ chức này chỉ “làm kéo dài vấn đề Palestine”. Vì vậy, bà Hanan Ashrawi, quan chức cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) có cơ sở khi cho rằng, Mỹ đang tìm cách hạn chế hoạt động của UNRWA theo “mong muốn của Israel”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.