Mỹ có thể sẽ trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay có tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Song, điều kiện được Mỹ nêu ra là phải có một thỏa thuận tốt hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định rút khỏi TPP vào năm ngoái. Ảnh: AP |
Thông tin Mỹ có thể trở lại CPTPP được Tổng thống Donald Trump đề cập tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 25-1 (giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ để ngỏ khả năng tái tham gia CPTPP sau khi ông tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này vào năm ngoái. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhắc đến điều kiện “nếu đạt được thỏa thuận tốt hơn nhiều so với thỏa thuận trước”.
Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Trump được đưa ra trong lúc 11 thành viên còn lại của CPTPP dự kiến ký thỏa thuận thương mại mới sửa đổi vào tháng 3 tới tại Chile, theo đó cắt giảm các rào cản thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nước thành viên. Nội dung của thỏa thuận mới đã được 11 thành viên thống nhất trong cuộc họp ngày 23-1 vừa qua ở Tokyo (Nhật Bản) và cũng để cửa mở cho sự tái gia nhập của Mỹ.
Tổng thống Trump không lý giải nhiều về sự thay đổi bất ngờ này, cũng không đề cập cụ thể “thỏa thuận tốt hơn” là như thế nào. Nhà lãnh đạo Mỹ chỉ nói rằng, ông thích thỏa thuận song phương hơn để dễ dàng xóa bỏ, còn với thỏa thuận đa phương như CPTPP thì sẽ “không có quyền và lựa chọn tương tự”.
Từ lúc tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump đã gọi TPP là “thỏa thuận tồi”. Ngay sau khi nhậm chức, ông tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này, duy trì lập trường bảo hộ hơn trong vấn đề thương mại, bất chấp những cảnh báo về thế bất lợi của Mỹ khi đứng ngoài TPP. Ông Trump lo ngại TPP sẽ làm mất việc làm của người Mỹ bởi các công ty sẽ chuyển việc làm từ Mỹ sang các quốc gia trả lương thấp. Tuy nhiên, các thành viên còn lại vẫn muốn theo đuổi thỏa thuận mà không cần sự hiện diện của Mỹ, nghĩa là phớt lờ quan điểm “nước Mỹ trên hết”.
Rút khỏi TPP - khu vực chiếm 40% GDP của thế giới, Mỹ theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương khác nhưng không thành công như mong muốn. Điều quan trọng là sự vắng mặt của Mỹ trong TPP (CPTPP) tạo điều kiện để Trung Quốc nâng tầm ảnh hưởng thương mại trong khu vực. Chuyên gia Sanchita Basu-Das tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN ở Singapore cũng nhận định: Mỹ rút khỏi TPP để lại “khoảng trống ngoại giao kinh tế lớn”.
Chưa rõ điều mà Tổng thống Trump thật sự muốn để quay lại CPTPP. Cũng có thể ông bị sức ép từ phía các doanh nghiệp trong nước, cũng có thể ông có thay đổi quan trọng trong chính sách với châu Á… Bởi lẽ, khi CPTPP được hoàn tất, các thành viên sẽ không còn mặn mà với các thỏa thuận song phương với Mỹ.
Mỹ cũng có thể đưa ra những điều kiện để tham gia CPTPP, chẳng hạn Washington muốn Nhật Bản tăng nhập khẩu thịt bò và ô-tô Mỹ; yêu cầu đưa vào TPP một điều về tỷ giá ngoại hối nhằm ngăn ngừa tiền tệ của các đối tác thương mại trong hiệp định này suy yếu, khuyến khích các hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ…
Trong khi đó, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định: việc Mỹ để ngỏ khả năng quay trở lại CPTPP sẽ không làm thay đổi lộ trình của Tokyo về việc thúc đẩy thỏa thuận này. Song, ông Motegi hoan nghênh việc Mỹ công nhận tầm quan trọng của CPTPP và nếu cần thiết thì Nhật Bản sẽ lý giải về thỏa thuận này để thuyết phục Washington tham gia. Trước đó, vị quan chức này khẳng định CPTPP sẽ là “động lực để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ” đang trỗi dậy ở nhiều nơi trên thế giới.
BÌNH YÊN