Vượt qua cửa Hạ viện nhưng bị “ách” tại Thượng viện, dự luật chi tiêu tạm thời không được thông qua, dẫn đến chính phủ Mỹ phải đóng cửa đúng vào 0 giờ ngày 20-1, ngày kỷ niệm 1 năm nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Những rắc rối đến với Tổng thống Donald Trump đúng thời điểm kỷ niệm 1 năm nắm quyền. Ảnh: Reuters |
Ngày kỷ niệm 1 năm tiếp quản Nhà Trắng của ông Donald Trump được đánh dấu bằng các cuộc biểu tình trên khắp cả nước và tình trạng “tê liệt” của chính phủ. Người dân Mỹ không xa lạ gì với việc chính phủ liên bang phải tạm đóng cửa vì cạn tiền nhưng đây là lần đầu tiên một tổng thống với đảng của mình nắm quyền kiểm soát ở Quốc hội mà vẫn không thể thông qua ngân sách.
Tại Hạ viện, dự luật chi tiêu tạm thời nhận được 230 phiếu ủng hộ và 197 phiếu chống, nhưng Thượng viện sau đó bỏ phiếu với 50/100 phiếu ủng hộ và 48 phiếu chống (ít hơn 10 phiếu để có thể được thông qua). Theo đó, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang tạm thời nghỉ việc và hơn 1,3 triệu quân nhân phải thực hiện nhiệm vụ nhưng không được trả lương. Khoảng 95.000 trong tổng số 115.000 nhân viên của Bộ Tư pháp cũng phải làm việc không lương…
Quốc hội và chính phủ Mỹ hiện đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Trump chỉ trích đảng Dân chủ đặt chính trị lên trên lợi ích của người dân, dẫn đến việc chính phủ cạn ngân sách liên bang. Ông Trump nói rằng, cần thêm các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới để tránh xảy ra tình huống tương tự. Trong khi đó, đảng Dân chủ cho rằng, nguyên nhân do Tổng thống Trump đã bác bỏ các đề xuất thỏa hiệp của hai đảng.
Thực chất, bất đồng giữa hai đảng thể hiện ở vấn đề an ninh biên giới, cải cách nhập cư và chi tiêu cho quân sự. Đảng Cộng hòa muốn rót ngân sách cho những vấn đề này, còn đảng Dân chủ lại muốn bảo vệ hơn 700.000 người nhập cư từ khi còn trẻ nhưng không có giấy tờ (còn được gọi là “Dreamers”). Ông Trump trước đó tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình hoãn trục xuất những người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ (gọi tắt là DACA) có từ thời người tiền nhiệm Barack Obama. Các nhà phân tích cho rằng, những bất đồng gay gắt càng minh chứng sự chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ.
Tuy đảng Cộng hòa hướng sự chỉ trích vào phe Dân chủ nhưng Tổng thống Trump là người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng đóng cửa nói trên. Vì vậy, thay vì tổ chức tiệc kỷ niệm 1 năm nắm quyền ở biệt thự Mar-a-Lago (Florida), ông Trump ở lại Washington để giải quyết và tìm cách đưa chính phủ hoạt động trở lại. Điều đáng nói, chính ông Trump từng chỉ trích những lần đóng cửa của chính phủ trước đây là do lỗi của những người đứng đầu Nhà Trắng. Năm 2013, khi xảy ra tình trạng tương tự, ông Trump cho rằng, Tổng thống lúc đó là Barack Obama phải chịu trách nhiệm.
Ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại Thượng viện nói rằng sẽ nỗ lực tìm kiếm một dự luật chi tiêu ngắn hạn có hiệu lực đến ngày 8-2. Đàm phán giữa hai phe là giải pháp tốt nhất để mở đường cho một dự luật ngân sách mới. Tuy nhiên, sẽ khó có sự nhượng bộ của bất kỳ bên nào bởi việc lùi bước có thể dẫn đến sự chỉ trích và thất bại chính trị khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần.
Theo một nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ ước tính thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu như chính phủ bị đóng cửa trong một tuần. Và sau 1 năm ông Trump kiên quyết theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, người Mỹ cho rằng, với hàng loạt sắc lệnh gây tranh cãi của Tổng thống, họ chẳng được gì. Vì vậy, người Mỹ đã xuống đường để phản đối người đứng đầu Nhà Trắng, thay vì tuần hành vì “sự thành công về kinh tế và giàu có”, như kêu gọi trên Twitter của ông Trump.
Từ năm 1981 đến nay, chính phủ Mỹ đã đóng cửa 13 lần, bao gồm cả lần mới nhất này. Đợt đóng cửa dài nhất là 21 ngày (từ tháng 12-1995 đến tháng 1-1996) dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Năm 2013, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng đã đóng cửa 16 ngày khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối thông qua ngân sách, trong đó có việc chi trả cho luật chăm sóc sức khỏe. |
VĨNH AN