Theo các nguồn tin, Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục chuyển khí tài quân sự tới Afrin thông qua một cửa khẩu ở Kilis.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiến dịch “Nhành Ô liu” tại thị trấn Afrin, phía Tây Bắc Syria vẫn đang diễn ra đúng kế hoạch. Trong hơn 4 ngày qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt 260 tay súng người Kurd và khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được nhìn thấy tại khu vực phía Đông Bắc Afỉn, Syria hôm 22/1/2018. Ảnh Rueters |
Bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc mở rộng chiến dịch “Nhành Ô liu” sang các khu vực khác tập trung lực lượng người Kurd tại Syria, cụ thể tại thị trấn miền Bắc Manbij, thậm chí sang khu vực phía Đông sông Euphrates và cả phía Bắc của Iraq.
Nhìn lại chiến dịch “Nhành Ô liu” trong hơn 4 ngày qua.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/1 mở màn chiến dịch “Nhành Ô liu” bằng loạt không kích và pháo kích mạnh mẽ nhằm vào các vị trí được cho là của Các đơn vị Bảo vệ Người Kurd (YPG) và Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang kiểm soát Afrin.
6.400 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 25.000 thành viên Quân đội Giải phóng Syria (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tham gia vào chiến dịch này. Chính quyền Damascus đã lên án mạnh mẽ gọi đây là hành động xâm phạm chủ quyền Syria. Trong khi, Moscow kêu gọi tất cả các bên tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Syria.
Bỏ ngoài tai tất cả những kêu gọi này, ngày 23/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ngày thứ tư của chiến dịch “Nhành Ô liu” với các vụ không kích nhằm vào lực lượng người Kurd tại thị trấn Rajo, gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn biến xung đột ác liệt xảy tại cả Afrin và các khu vực xung quanh. Những ngôi làng trong khu vực biên giới cũng không nằm ngoài vòng pháo kích.
Phóng viên thường trú của Sputnik tại Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, các xe tăng và pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ ở gần khu vực Afrin đã nã đạn dữ dội vào các vị trí của lực lượng người Kurd.
Hiện, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đang đóng tại phía Tây thành phố Azaz và không ngừng pháo kích đối phương. Đối đầu trực tiếp giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd cũng xảy ra tại gần thị trấn Gulbaba.
Theo các nguồn tin, Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục chuyển khí tài quân sự tới Afrin thông qua một cửa khẩu ở Kilis.
Trong khi đó, nguồn tin từ lực lượng người Kurd cho biết, ngày 23/1, lực lượng này đã rút khỏi ngôi làng Corna, đồng thời cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng bắn phá các ngôi làng tại Afrin, kể cả vào ban đêm.
Thông báo riêng của SDF gửi tới báo chí cùng ngày cho biết, ít nhất 53 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và 38 người khác bị thương khi đụng độ với lực lượng này tại Afrin và khu vực Shahba. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận, binh sĩ thứ 2 thiệt mạng sau 4 ngày thực hiện chiến dịch “Nhành Ô liu”.
Trên trang Sputnik tiếng Arab đã đăng những bức hình xác nhận sự tham gia FSA cùng chiến tuyến với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến dịch “Nhành Ô liu” đang mở ra cục diện chiến sự mới tại khu vực Tây Bắc Syria. Nó không chỉ là việc tiêu diệt lực lượng người Kurd, vốn bị liệt vào danh sách khủng bố như Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, mà tính phức tạp nằm ở việc các lực lượng có vũ trang tại Syria tham chiến.
Nguy cơ bùng phát một cuộc chiến xuyên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rất rõ ràng. Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin các thành phố bên phần lãnh thổ nước này ở tỉnh miền Nam Hatay đã hứng những loạt rocket đáp trả từ Afrin. Hiện chưa có thông tin về con số thương vong tại đây.
“Nhành Ô liu”-Vấn đề nóng trên mặt trận ngoại giao
Nga và Mỹ, hai cường quốc đang hiện diện quân sự tại Syria đã lên tiếng quan ngại trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đẩy lên gần “cực điểm”.
Ngày 23/1, giới chức cấp cao của Mỹ đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận vấn đề này. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cũng cho biết Mỹ muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ “giảm nhiệt tình hình Afrin”. Đây sẽ là nội dung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc điện diễn ra trong ngày 24/1 (giờ Washington).
Trên kênh ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cuối ngày (23/1) cũng đã thảo luận vấn đề Afrin trong một cuộc gặp ở Paris, Pháp.
Phát biểu trước báo giới, ông Mevlut Cavusoglu nói rằng: “Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào những hành động sắp tới của Washington và việc Mỹ sẽ ủng hộ bên nào tại Syria”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cập mở rộng chiến dịch “Nhành Ô liu”, thậm chí tới cả phía Bắc Iraq, cũng đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng quan ngại. Đặc biệt, là tuyên bố của nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng nước này muốn tránh đối đầu với Nga và Mỹ tại Syria, song Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ an ninh của mình.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng cảnh báo căng thẳng Afrin đang khiến những cuộc xung đột mới manh nha bùng phát, sau khi khủng bố IS bị đánh bại hoàn tại Syria.
Phía Nga cũng không thể ngồi yên trước diễn biến mới tại Syria. Bằng chứng là cuộc điện đàm của Tổng thống Putin với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, trong đó kêu gọi tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ Syria. Điện Kremlin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng trong việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hợp tác để tìm một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng Syria.
Theo VOV