Ông Trump "châm ngòi" cuộc chiến với Pakistan

.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Pakistan “gian dối và lừa lọc” trên mạng xã hội Twitter, Islamabad quyết định sẽ đánh giá lại mối quan hệ giữa hai nước và thực thi lập trường cứng rắn hơn với Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt viện trợ nước ngoài cho Pakistan.  Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt viện trợ nước ngoài cho Pakistan. Ảnh: Reuters

Theo báo Express Tribune (Pakistan), Văn phòng Đối ngoại Pakistan đã triệu tập Đại sứ Mỹ David Hale để phản đối những chỉ trích, cáo buộc của Tổng thống Donald Trump trên mạng Twitter. Thư ký đối ngoại Pakistan, bà Tehmina Janjua, yêu cầu đại sứ Mỹ giải thích về những cáo buộc này.

Tờ Chicago Tribune dẫn phản ứng của Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir-Khan đáp trả trên Twitter rằng Pakistan - với tư cách là “một đồng minh chống khủng bố” của Mỹ - đã trao cho Washington các phương tiện liên lạc trên bộ và trên không, các căn cứ quân sự và hoạt động hợp tác tình báo “giúp tiêu diệt lực lượng Al-Qaeda trong 16 năm qua”, trong khi Mỹ “không đáp trả lại gì ngoài sự nhiếc móc và không tin tưởng”.

Trước đó, ngay trong đoạn tweet mở đầu năm 2018, Tổng thống Trump viết: Nước Mỹ quả là “ngu ngốc” khi tài trợ cho Pakistan hơn 33 triệu USD trong hơn 15 năm qua nhưng Islamabad chẳng đáp lại gì cho Washington ngoài sự lọc lừa, dối trá. Ông Trump cáo buộc Pakistan dung túng những đối tượng khủng bố mà lực lượng an ninh Mỹ đang truy lùng. “Họ đã tạo ra thiên đường an toàn cho những kẻ khủng bố mà chúng ta đang truy bắt ở Afghanistan”, ông Trump viết.

Tuần trước, báo New York Times cho hay, Nhà Trắng đang nghiêm túc cân nhắc khả năng từ chối khoản viện trợ trị giá 225 triệu USD vốn đã bị trì hoãn cho Pakistan, bởi Islamabad thất bại trong việc trấn áp các nhóm khủng bố ở quốc gia Nam Á này. Giới chức Pakistan cũng từng triệu tập Đại sứ Mỹ hồi tháng 5-2016 để bày tỏ những lo ngại về một vụ không kích bên trong lãnh thổ nước này tiêu diệt thủ lĩnh lực lượng Taliban tại Afghanistan, Mullah Akhta Mansoor.

Ngay trong sáng 2-1, các quan chức cấp cao Pakistan nhóm họp để bàn về phản ứng sau tuyên bố của ông Trump. Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif khẳng định, nước ông sẵn sàng công bố bảng thống kê “từng chi tiết” về những hỗ trợ của Mỹ mà Islamabad đã nhận được. “Chúng tôi đã nói với phía Mỹ rằng, chúng tôi sẽ không làm gì hơn nữa; vì vậy, chuyện “không gì thêm nữa” của ông Trump cũng chẳng còn quan trọng”, ông Asif tỏ ra cứng rắn. Ông cũng khẳng định Pakistan đã làm tất cả những gì có thể trong cuộc chiến chống khủng bố bên trong phạm vi lãnh thổ của họ.

Theo báo Express Tribune, trước những cáo buộc của Tổng thống Mỹ, chính quyền Pakistan sẽ làm rõ những tổn thất, hy sinh mà họ phải gánh chịu trong cuộc chiến chống khủng bố ở mặt trận ngoại giao. Nếu Mỹ vẫn quyết định cắt giảm hoặc dừng tài trợ cho Pakistan, thậm chí áp đặt các lệnh trừng phạt, quốc gia Nam Á này sẽ hoàn toàn thay đổi chính sách đối ngoại với Washington. Theo đó, chính sách tương lai với Mỹ sẽ chỉ giới hạn ở mức “hợp tác vì hợp tác” và các quan hệ sẽ dựa trên nền tảng quan hệ bình đẳng. “Chính sách này sẽ được thực thi dần dần”, các nguồn tin cho biết.

Ngoại trưởng Pakistan và các quan chức khác của nước này sẽ liên lạc với những quốc gia có quan hệ hữu nghị với Islamabad, trong đó có Trung Quốc, để chia sẻ thông tin riêng. Các quan chức cấp cao Pakistan đang đánh giá lại tuyên bố gần đây của ông Trump và các quan hệ trong tương lai với nước Mỹ - vấn đề vốn “đang chuyển từ gượng gạo sang căng thẳng”.

Giới chức Pakistan khẳng định, họ sẽ đưa ra những quyết định trên cơ sở ưu tiên an ninh quốc gia. Trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới Islamabad, giới chức Pakistan đã nói rằng, họ sẽ không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của Washington nếu điều đó đi ngược lại an ninh quốc gia của họ.

Đến nay, Nhà Trắng chưa cung cấp bất cứ bằng chứng nào buộc tội Pakistan che giấu hay dung túng cho khủng bố. Giới chức Pakistan cho rằng, việc Mỹ đổ lỗi cho Islamabad chẳng qua chỉ nhằm che đậy cho những thất bại tại Afghanistan.

Thời gian qua, Pakistan đã có những động thái thể hiện việc giảm dần sự lệ thuộc của họ vào Mỹ trong nhiều lĩnh vực, đồng thời tìm kiếm sự thay thế. Islamabad đã đẩy nhanh quá trình thực thi chiến lược tăng cường ngoại giao, thương mại và các quan hệ khác với Trung Quốc, Nga cũng như các nước khác.

Pakistan là một trong những nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong việc kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Kể từ sau đó, Nhà Trắng gia tăng áp lực lên Pakistan.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.