CHDCND Triều Tiên kêu gọi hòa bình, thống nhất liên Triều. Trong khi đó, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un muốn thúc đẩy đối thoại với Hàn Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images |
Thông điệp hòa bình hiếm hoi được CHDCND Triều Tiên đưa ra ngày 25-1, kêu gọi toàn thể người dân ở trong nước và nước ngoài “tạo đột phá cho việc thống nhất liên Triều mà không cần sự trợ giúp của những nước khác”. Bình Nhưỡng tin rằng, người dân nước này nên “liên lạc, du lịch, hợp tác giữa hai miền nam - bắc Triều Tiên”. Đồng thời, Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ “nghiền nát” bất kỳ sự chống đối nào xung quanh vấn đề thống nhất của hai miền.
Thông điệp tích cực
Đây là thông điệp tích cực của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sau khi hai miền đã thống nhất cùng diễu hành dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang dưới một lá cờ tại Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25-2 tới. Hơn nữa, ngày 25-1, đoàn nữ vận động viên khúc côn cầu trên băng của CHDCND Triều Tiên đã đến Hàn Quốc để bắt đầu huấn luyện chung với các vận động viên nước chủ nhà.
Hãng Reuters cho biết, CHDCND Triều Tiên còn thúc giục người dân nước này thiết lập môi trường hòa bình. Trong khi đó, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA nhận định, căng thẳng quân sự là trở ngại cơ bản trong việc cải thiện mối quan hệ và thống nhất giữa hai miền.
CHDCND Triều Tiên không cung cấp thông tin chi tiết về một cuộc họp giữa chính phủ và đảng Lao động Triều Tiên để dẫn đến thông điệp nói trên. Bình Nhưỡng chỉ cho hay, thông điệp nhằm ủng hộ lời kêu gọi thống nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong bài phát biểu hồi đầu năm 2018. Năm nay là thời điểm ý nghĩa cho cả hai miền, với sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập CHDCND Triều Tiên, còn Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông Pyeongchang.
Theo các nhà quan sát, việc CHDCND Triều Tiên chìa cành oliu với Hàn Quốc tiếp tục góp phần làm “tan băng” trong quan hệ liên Triều. Với chủ trương ôn hòa của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Seoul cũng đang nỗ lực biến không khí hòa bình này thành cơ hội để nối lại thương lượng về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, trong đó đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington có vai trò hết sức quan trọng. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói rằng, Hàn Quốc không thể chấp nhận thêm các vụ thử tên lửa, vũ khí và các hành động gây căng thẳng, đồng thời cảnh báo về việc gia tăng sức ép và các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Trừng phạt là đóng cánh cửa đối thoại
Thực tế, từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đến nay, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhiều lần nỗ lực tái thống nhất hai miền Triều Tiên nhưng bế tắc. Ngay cả nỗ lực vào năm 2000, chính sách Ánh dương của Hàn Quốc hướng đến thống nhất, hợp tác liên Triều cũng không thành công. Vì vậy, bầu không khí lắng dịu trong thời gian qua được xem là cơ hội hiếm hoi dẫn đến hòa bình.
Tuy nhiên, ngay trước khi CHDCND Triều Tiên đưa ra thông điệp hòa bình, Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 9 thực thể, 16 cá nhân và 6 tàu biển mà Washington cho là đã hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có các cá nhân và công ty của Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ trừng phạt thêm những công ty dầu, công ty vận tải và thương mại tiếp tục làm việc với CHDCND Triều Tiên nhằm giúp nước này hiện thực hóa tham vọng hạt nhân, cũng như gây ra bất ổn”.
Quyết định của Mỹ được cho là bất ngờ bởi trước đó, Tổng thống Donald Trump hoan nghênh những diễn biến tốt đẹp trên bán đảo Triều Tiên, ủng hộ đối thoại liên Triều. Không những thế, ông Trump cũng đã chấp nhận hoãn các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Pyeongchang.
Những lo ngại của Hàn Quốc về việc Mỹ có thể đóng cánh cửa đối thoại bất kỳ lúc nào nay thành hiện thực. Song, lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể phản tác dụng, bởi sẽ càng làm Bình Nhưỡng gia tăng các chương trình hạt nhân và tên lửa để đối phó với Washington. Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev, Mỹ đã hành động không đúng lúc, thậm chí nguy hiểm, trong lúc Hàn Quốc và Triều Tiên đang thúc đẩy đối thoại.
Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công ty thương mại đặt trụ sở tại Trung Quốc, có liên quan việc xuất khẩu kim loại và nhiều hàng hóa khác trị giá nhiều triệu USD được sử dụng trong ngành công nghiệp vũ khí của CHDCND Triều Tiên. Washington cũng áp đặt trừng phạt đối với các quan chức thuộc đảng Lao động Triều Tiên đang hoạt động tại Trung Quốc, Nga, khu vực Abkhazia của Georgia; thúc giục 3 nước trục xuất những cá nhân này. |
PHÚC NGUYÊN