Nga cho rằng, Mỹ thúc đẩy các báo cáo chưa được kiểm chứng về các vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria nhằm phủ bóng lên sáng kiến hòa bình mới nhất của Mátxcơva đối với quốc gia Trung Đông này.
Ít nhất 21 người, trong đó có trẻ em, bị khó thở do ảnh hưởng từ một vụ tấn công dùng vũ khí hóa học hồi đầu tuần này tại đông Ghouta, Syria. Ảnh: AFP |
Mỹ và 28 nước khác đang tiến hành kế hoạch mới nhằm xác định rõ hơn và trừng phạt bất kỳ ai sử dụng vũ khí hóa học, trong lúc có những báo cáo về một vụ tấn công bằng khí ga ở đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus hồi đầu tuần này. Trong vụ việc ở đông Ghouta, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về những nạn nhân nơi đây cũng như vô số người dân Syria bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Theo ông Tillerson, Nga phải dừng sử dụng quyền phủ quyết hoặc ít nhất là bỏ phiếu trắng trong những cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến các vụ tấn công hóa học ở Syria.
Nga “tố” Mỹ hủy hoại nỗ lực hòa bình
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng Interfax ngày 24-1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc Mỹ thúc đẩy các báo cáo chưa được xác minh về những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria nhằm làm hủy hoại những nỗ lực hòa bình của Mátxcơva.
Chính phủ Syria cho rằng, tuyên bố của Mỹ và Pháp về việc Damascus vẫn dùng vũ khí hóa học là “nói dối”. Bộ Ngoại giao Syria cũng gọi các cáo buộc của Mỹ là “không thể chấp nhận được”, đồng thời đổ lỗi chính các nước phương Tây đã ngăn cản việc điều tra và gây áp lực cho các nhà điều tra về những vụ tấn công xảy ra trước đó. Bộ Ngoại giao Syria chỉ trích rằng, những cáo buộc của Washington và Paris nhằm “cản trở nỗ lực tìm ra con đường thoát khỏi khủng hoảng ở Syria”.
Thực tế, năm 2013, Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận dỡ bỏ tất cả vũ khí hóa học ở Syria. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những vụ tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học. Đáng chú ý là vụ việc hồi năm ngoái khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận ra lệnh trả đũa bằng cách dùng tên lửa tấn công nhằm vào một căn cứ không quân của Syria.
Nguy cơ cuộc chiến biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ
Tuần đến, Nga sẽ chủ trì đối thoại hòa bình tại khu nghỉ mát Sochi, bên Biển Đen. Song, đối thoại dường như bị phủ bóng bởi các cuộc xung đột vẫn xảy ra ở phía tây bắc Syria, nơi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của Syria chống lại các chiến binh người Kurd, vốn bị liệt vào danh sách khủng bố như Ankara tuyên bố.
Hãng AP cho biết, bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn mở rộng chiến dịch “Nhành oliu” sang các khu vực khác tập trung lực lượng người Kurd tại Syria, cụ thể tại thị trấn Manbij, thậm chí sang khu vực phía đông sông Euphrates và cả phía bắc Iraq. Động thái này làm dấy lên nguy cơ bùng phát cuộc chiến xuyên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Pháp và Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế hoạt động ở Afrin, thuộc tỉnh Aleppo, phía đông bắc Syria, nơi Liên Hợp Quốc ước tính có 5.000 người bị mất nhà cửa. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, chiến dịch đang “thành công” và sẽ tiếp tục cho đến khi nào tiêu diệt được khủng bố. Ông Erdogan cho hay, quân đội Thổ và các đồng minh Syria đã tiêu diệt ít nhất 268 tay súng người Kurd kể từ khi chiến dịch bắt đầu vào ngày 20-1. Phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có 7-8 người thiệt mạng. Ankara vốn xem các chiến binh người Kurd ở Syria là mối đe dọa bởi cho rằng lực lượng này liên quan đến các phần tử nổi dậy người Kurd ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu kiểm soát được Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn được nguy cơ người Kurd thiết lập hành lang dọc biên giới với nước này.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, xung đột tại Afrin - chủ yếu do các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ - đã làm ít nhất 27 dân thường thiệt mạng, trong đó có 8 trẻ em và 4 phụ nữ. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, chiến dịch “Nhành oliu” không những cản trở tiến trình hòa bình tại Syria mà còn sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo mới.
THIÊN BÌNH