Đến Trung Quốc để thúc đẩy “kỷ nguyên vàng” với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Theresa May đã mang về các thỏa thuận trị giá 13,26 tỷ USD.
Thủ tướng Anh Theresa May gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: The Sun |
Trong chuyến công cán trong 3 ngày (từ 31-1 đến 2-2), Thủ tướng Anh Theresa May dẫn theo đoàn doanh nghiệp gồm đại diện 40 công ty, các trường đại học và các tổ chức thương mại, nhằm hướng đến mối quan hệ xa hơn với Trung Quốc khi Vương quốc Anh rời EU vào tháng 3-2019. Ngày 2-2, bà rời Trung Quốc với các thỏa thuận trị giá 13,26 tỷ USD cùng cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc thúc đẩy “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương.
Hãng AP dẫn lời Thủ tướng May ngày 2-2 cho biết, bà đã đề cập với Chủ tịch Tập Cận Bình về tầm quan trọng của việc dỡ bỏ những hàng rào thương mại, nhất là thực phẩm, đồ uống và các dịch vụ tài chính của Anh, khi hai nước thúc đẩy thỏa thuận thương mại cho giai đoạn hậu Brexit. Hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo về “việc xem xét đầu tư và thương mại”, xem đây là bước đi cho những thỏa thuận song phương trong tương lai.
“Vương quốc Anh và Trung Quốc đang mở ra một chương mới trong kỷ nguyên vàng của chúng ta”, bà May nói. Ngoài ra, hai bên cũng đề cập việc hợp tác theo sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc - dự án thiết lập hạ tầng giúp kết nối châu Á với châu Âu, châu Phi.
Các nhà quan sát cho rằng, Thủ tướng May đang muốn chuẩn bị cho chặng đường hậu Brexit. Bà dần hiện thực hóa chiến lược của mình là tìm đến các thị trường mới, rộng lớn, đông dân khi thị trường truyền thống EU không còn có nhiều lợi thế với Anh.
Theo đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - được xếp vào danh sách những quốc gia hàng đầu mà Anh muốn “xích lại” gần, cùng với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vì một “nước Anh toàn cầu”.
Tuy nhiên, bà May nói rằng, còn rất nhiều điều phải làm bởi hiện Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong khối lượng hàng xuất khẩu của Anh (khoảng 3,1% trong năm 2016). Giới chức xứ sở sương mù đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Anh vào năm 2020.
Đầu tư của Trung Quốc giúp Anh phát triển hạ tầng và tạo ra việc làm, với khoảng 50.000 doanh nghiệp Anh đang nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và hơn 10.000 doanh nghiệp bán hàng cho Trung Quốc. Theo giới chức Anh, các thỏa thuận trị giá 13,26 tỷ USD vừa được ký kết sẽ tạo ra hơn 2.500 việc làm trên khắp Vương quốc Anh, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa hai nước, đúng như bà May kỳ vọng.
Trung Quốc xem Anh là một đồng minh quan trọng trong lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc mở cửa các thị trường toàn cầu, bất chấp quan ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài về những khó khăn khi hoạt động tại cường quốc châu Á này. Tờ Nhân dân Nhật báo đánh giá cao việc Anh ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, xem đây là “hình mẫu cho các nước phương Tây khác”.
Song, nhiều chuyên gia Trung Quốc lo ngại, Brexit làm suy yếu vị thế của Anh nói chung và vai trò của Anh đối với Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc sẽ xem Pháp là đồng minh chính trong EU, thay vị trí của Anh.
Ngày 2-2, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, thỏa thuận giai đoạn chuyển giao về vấn đề Brexit sẽ được thống nhất với EU trong 7 tuần tới. Chính phủ Anh hiện muốn giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khoảng 24 tháng, trong khi EU muốn giai đoạn này diễn ra trong 21 tháng. |
THIÊN BÌNH