Chiến dịch "Nhành oliu": Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ chiếc ô của Mỹ

.

Với chiến dịch “Nhành oliu” tại khu vực Afrin thuộc miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng từ bỏ chiếc ô bảo vệ của Mỹ để ngăn chặn người Kurd mà Ankara vốn xem là một tổ chức khủng bố.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn Hassa, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Ảnh: Reuters
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn Hassa, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Ảnh: Reuters

Chiến dịch “Nhành oliu” của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria tiếp tục được tăng cường với những đợt không kích nhằm vào các đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) tại Afrin. Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là tổ chức khủng bố vì có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị cấm hoạt động ở nước này.

Chiến dịch nói trên làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, bởi YPG được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng lo ngại chiến dịch sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải dân tộc của Syria.

Giới quan sát cho rằng, chiến dịch “Nhành oliu” nhằm trả đũa việc Mỹ tuyên bố kế hoạch thiết lập lực lượng an ninh dọc biên giới dài 900km giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó YPG đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, theo AP, các chiến binh người Kurd tại Syria đang tỏ ra thất vọng về Mỹ - người bảo trợ của họ và thúc giục Washington hành động để ngăn chặn chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy, người Kurd đang quan ngại về việc liên minh với Mỹ. Người Kurd lo sợ rằng, cuối cùng họ sẽ thất bại và ước mơ tự trị sẽ tiêu tan trong cuộc chạy đua của các cường quốc nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Syria. Đối với các chiến binh người Kurd, việc bảo vệ Afrin là cuộc đấu tranh để bảo vệ lãnh thổ của họ. Chiến dịch “Nhành oliu” được bắt đầu vào ngày 20-1, đến nay đã làm hơn 60 dân thường cùng hàng chục tay súng người Kurd và binh sĩ Thổ thiệt mạng, hàng ngàn người mất nhà cửa.

Các thủ lĩnh người Kurd cho biết, họ không kỳ vọng Mỹ tham chiến với Thổ Nhĩ Kỳ, hay điều binh sĩ sang chiến đấu với lực lượng Ankara tại Afrin. Hãng AP dẫn lời bà Nobohar Mustafa, đại diện người Kurd tại Washington nói rằng, điều này không có nghĩa là Mỹ không có vai trò trong việc ngăn chặn chiến tranh ở Afrin. Bản thân bà Mustafa và ông Aldar Khalil - chính trị gia người Kurd đã vận động Washington và châu Âu cần có quan điểm cứng rắn hơn nhằm chống lại các bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Theo bà Mustafa, Mỹ có thể lập luận sự hiện diện của YPG ở phía tây bắc Syria, nơi có căn cứ của các chiến binh liên quan đến Al-Qaeda, là cần thiết trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, ông Khalid nhấn mạnh, các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng không kích.

Điều đáng nói là YPG sẽ không dễ dàng từ bỏ Afrin và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể ngay lập tức ngừng bước đi này. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag tuyên bố, nước ông sẽ không chấm dứt chiến dịch chừng nào PKK, YPG và IS còn hiện diện ở Afrin.

Các nhà quan sát nhận định, chiến dịch của Ankara sẽ mở ra một cục diện khác trong cuộc chiến ở Syria, trong đó sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực sẽ gay gắt; đồng thời, cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn người Kurd và cả Mỹ đều là những nhân vật chính. Trong một tuyên bố mới đây, Washington khẳng định sẽ nỗ lực bảo vệ những lợi ích của mình tại Syria và những lợi ích đó gắn bó chặt chẽ với người Kurd ở quốc gia Trung Đông này.

Mỹ đang tìm cơ hội đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, chiến dịch “Nhành oliu” không nên trở thành cái cớ để xâm lược Syria, đồng thời kêu gọi Ankara phối hợp hành động với các đồng minh. Nguy cơ bùng phát một cuộc chiến xuyên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ hiện hữu.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.