Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên

.

Ngày 24-2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders​ tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp "bầu không khí hòa giải" đang gia tăng giữa hai miền Triều Tiên.

Binh sỹ Triều Tiên tập trận tấn công chiếm đảo tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 25/8. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Binh sỹ Triều Tiên tập trận tấn công chiếm đảo tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 25/8. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Tuyên bố trên được đại diện Nhà Trắng đưa ra trong cuộc gặp giới báo chí tại PyeongChang, Hàn Quốc, nơi đang diễn ra Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Bà Sarah Sanders nêu rõ các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Triều Tiên là "mạnh mẽ nhất" và Washington sẽ tiếp tục hình thức này.

Trước đó, ngày 23-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp đặt những biện pháp trừng phạt mới mà ông là "lớn nhất từ trước tới nay" nhằm vào Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp này sẽ mang lại kết quả tích cực.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp này sẽ nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt hiện hành.

Những công ty và thực thể này có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Singaporre, Tanzania và Panama.

Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ; mọi hoạt động giao dịch giữa các bên cũng bị phong tỏa.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các biện pháp này nhằm ngăn cản các hoạt động vận tải đường biển và kinh doanh của các công ty này, qua đó cô lập hơn nữa Triều Tiên.

Theo ông Mnuchin, Tổng thống Mỹ muốn cảnh báo rằng những công ty trên thế giới nếu chọn hỗ trợ tài chính để phục vụ tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, sẽ không được phép kinh doanh với Mỹ.

Cùng ngày, trong một tuyên bố đưa ra tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết bộ này chuẩn bị đưa các tàu biển của Nga có hoạt động kinh doanh với Triều Tiên bị Mỹ coi là bất hợp pháp vào danh sách đen.

Ông Mnuchin khẳng định Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tàu biển, dù là của Nga hay Trung Quốc, có các hoạt động buôn bán bất hợp pháp với Triều Tiên.

Các biện pháp này nằm một phần trong chiến dịch do Mỹ đứng đầu nhằm "gây áp lực tối đa" với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng đồng ý thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Triều Tiên đến nay luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vấn đề "không thể thương lượng."

Hiện, Mỹ đã áp đặt hơn 450 biện pháp trừng phạt Triều Tiên, với khoảng một nửa số trong đó được áp dụng trong năm 2017.

Hiện vẫn chưa rõ về tác động của các biện pháp này đối với kinh tế Triều Tiên cũng như cách thức mà Mỹ có thể tăng cường hiệu lực của các biện pháp này.

Cùng ngày, Mỹ đã đề xuất bổ sung vào danh sách đen một loạt thực thể của Triều Tiên trong khuôn khổ những lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc - một động thái mà Washington cho biết là "nhằm mục tiêu chấm dứt những hoạt động buôn lậu bằng đường biển của Triều Tiên để có được dầu lửa và bán than."

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu tại New York, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley​ cho biết Mỹ đang gia tăng áp lực lên Triều Tiên và sẽ dùng mọi biện pháp có sẵn, trong đó có cả hợp tác với các đồng minh và trong toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc, nhằm tăng sức ép cho tới khi Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, Mỹ không cho biết thêm chi tiết sẽ đề xuất đưa vào danh sách đen bao nhiêu thực thể. Ủy ban trừng phạt gồm 15 thành viên của Hội đồng Bảo an hoạt động dựa trên sự nhất trí trong phòng họp kín.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã đề xuất đưa vào danh sách đen 10 tàu, ủy ban trên nhất trí con số 4 vì theo các nhà ngoại giao, Trung Quốc phản đối việc đưa vào danh sách 6 thực thể còn lại.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.
.