Mỹ vẫn mạnh tay trừng phạt Triều Tiên

.

Bất chấp không khí hòa giải trên bán đảo Triều Tiên trong lúc Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, Mỹ vẫn công bố “lệnh trừng phạt nặng nề nhất từ trước đến nay” đối với Bình Nhưỡng.

Phái đoàn do ông Kim Yong Chol (giữa), Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Đảng Lao động Triều Tiên dẫn đầu đến Hàn Quốc. 	      ~Ảnh: Yonhap
Phái đoàn do ông Kim Yong Chol (giữa), Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Đảng Lao động Triều Tiên dẫn đầu đến Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Các biện pháp mới của Mỹ nhắm vào 1 cá nhân, 27 công ty và 28 tàu thuyền bị tình nghi giúp CHDCND Triều Tiên “lách” các biện pháp trừng phạt, nhằm ngăn cản các hoạt động vận tải đường biển và kinh doanh của các công ty này, qua đó cô lập hơn nữa Bình Nhưỡng. Tuyên bố của Mỹ thật ra không bất ngờ, bởi Washington đã đe dọa trước đó về biện pháp cấm vận quyết liệt hơn nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí và hạt nhân.

Những biện pháp nói trên sẽ có hiệu lực nếu đến 15 giờ ngày 2-3 (giờ New York) không vấp phải sự phản đối của thành viên nào trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), trong đó có Trung Quốc.
Hãng Reuters cho biết, ngày 25-2, CHDCND Triều Tiên cáo buộc Mỹ tạo ra sự đối đầu trên bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt mới trước khi diễn ra lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, bất chấp nỗ lực của hai miền trong việc cải thiện mối quan hệ. Với Bình Nhưỡng, tuyên bố của Mỹ chẳng khác gì “đưa mây đen xung đột và chiến tranh” đến bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc cũng phản ứng đối với Mỹ, yêu cầu Washington “ngừng ngay các hành động sai lầm nhằm tránh gây tổn hại đến hợp tác song phương ở các lĩnh vực liên quan”. Gói trừng phạt của Mỹ cũng nhắm tới một người mang hộ chiếu Đài Loan, các công ty vận tải và năng lượng ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Singapore. Không những thế, Mỹ còn đề nghị LHQ cấm 33 tàu tiếp cận các cảng trên toàn thế giới và liệt vào “danh sách đen” 27 doanh nghiệp vận tải đường biển vì giúp CHDCND Triều Tiên né các biện pháp trừng phạt.

Trong lúc đó, các hoạt động ngoại giao đầy không khí hòa giải giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn diễn ra. Ngày  25-2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp gỡ phái đoàn cấp cao của nước láng giềng phía bắc, do ông Kim Yong Chol, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Triều Tiên dẫn đầu. Phái đoàn gồm 8 người có 3 ngày thăm Hàn Quốc, tham dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. Dù các đảng đối lập phản đối sự hiện diện của ông Kim Yong Chol, bởi vị quan chức này bị cáo buộc chủ mưu vụ tấn công bằng ngư lôi gây đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc vào tháng 3-2010 làm 46 thủy thủ thiệt mạng, nhưng chính phủ Seoul vẫn xem chuyến thăm của ông Kim sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều và mở đường cho đối thoại hòa bình. Đây là cuộc gặp thứ hai của Tổng thống Moon với các quan chức CHDCND Triều Tiên chỉ trong 2 tuần qua. Trước đó là cuộc gặp ngày 10-2 với phái đoàn cấp cao do ông Kim Yong-nam, Chủ tịch đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao làm trưởng đoàn.

Việc ông Kim Yong Chol đến Hàn Quốc trùng với thời điểm bà Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng đến quốc gia Đông Bắc Á này, làm dấy lên đồn đoán về khả năng gặp gỡ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, các quan chức của cả Seoul lẫn Washington đều khẳng định không có cuộc gặp như vậy.

Giới quan sát cho rằng, CHDCND Triều Tiên đã thành công trong chính sách ngoại giao nhân Thế vận hội mùa đông lần này nên phía Mỹ vừa cảm thấy thất vọng trước đối thủ, vừa không hài lòng với đồng minh. Mỹ không thể không lo ngại việc hai miền xích lại gần nhau sẽ gây chia rẽ đồng minh Seoul và Washington. Thực tế, bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã không có bất kỳ liên hệ nào với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại lễ khai mạc Thế vận hội khi cả hai cùng có mặt ở Pyeongchang, thậm chí chỉ ngồi cách nhau vài ghế. Ngày 25-2, Hàn Quốc khẳng định CHDCND Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng không thật sự có tín hiệu cho thấy cả hai sẽ sớm ngồi vào bàn nghị sự.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.