Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) dự kiến được đưa ra yêu cầu ngừng bắn 30 ngày tại Syria, mở đường cho viện trợ nhân đạo và sơ tán bệnh nhân tại đông Ghouta.
Ít nhất 426 người chết và hàng trăm người khác bị thương khi bạo lực leo thang ở đông Ghouta. Ảnh: Reuters |
HĐBA LHQ bỏ phiếu dự thảo nghị quyết vào ngày 23-2 (giờ New York, Mỹ). Dự thảo do Thụy Điển và Kuwait soạn thảo, đưa ra vào ngày 9-2, theo đó lệnh ngừng bắn có hiệu lực trong vòng 72 giờ sau khi được thông qua. Một vài nội dung sau đó được sửa đổi và lưu hành trong các thành viên HĐBA LHQ từ tối 22-2, nhưng chưa rõ Nga - đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - có ủng hộ dự thảo hay không. Hôm 22-2, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng, không có thỏa thuận về lệnh ngừng bắn và Mátxcơva đưa ra những nội dung sửa đổi khác. Các nhà ngoại giao lo ngại Nga sẽ dùng quyền phủ quyết của mình tại HĐBA.
Theo những nội dung do Nga đề xuất, trong điều khoản then chốt, ngôn ngữ văn bản được “mềm hóa” hơn khi cho rằng, HĐBA “yêu cầu” lệnh ngừng bắn, thay vì “quyết định” ngừng bắn. Văn bản cũng nêu rõ: Lệnh ngừng bắn sẽ không áp dụng cho “các cá nhân, các nhóm, các tổ chức và thực thể liên quan” Al-Qaeda, Mặt trận Nusra và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đại sứ Nebenzia khẳng định, viện trợ nhân đạo sẽ được thực hiện khi bảo đảm điều kiện an ninh và “lực lượng quân đội nước ngoài có thể hoạt động ở Syria khi phối hợp với các nhà chức trách sở tại”. Ông Nebenzia nói rằng, HĐBA cần đạt được một nghị quyết mang tính “khả thi” về lệnh ngừng bắn, thay vì đưa ra một quyết định “xa rời thực tiễn”.
Lệnh ngừng bắn ở Syria được cho là cấp thiết trong lúc ít nhất 426 người đã chết, trong đó có 98 trẻ em, và hàng trăm người khác bị thương khi bạo lực leo thang ở đông Ghouta, khu vực do phiến quân chiếm giữ ở ngoại ô thủ đô Damascus từ đêm 18-2 đến nay. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thậm chí mô tả 400.000 người dân Syria đang sống trong “địa ngục trần gian”.
Hãng AP cho biết, Mỹ, Anh và Pháp đang thúc đẩy HĐBA LHQ bỏ phiếu nhanh chóng về tình trạng thảm khốc ở Syria khi cáo buộc các máy bay chiến đấu của lực lượng chính phủ quốc gia Trung Đông này không kích đông Ghouta. Bộ Ngoại giao Mỹ còn đòi Nga phải “chịu trách nhiệm duy nhất về những gì xảy ra”. “Nếu không có việc Nga hậu thuẫn Syria, chết chóc chắc chắn không xảy ra”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói với báo giới. Tuy nhiên, Nga bác bỏ những cáo buộc này. Mátxcơva cũng như Damascus khẳng định các hoạt động tấn công chỉ nhằm vào phiến quân và chính lực lượng nổi dậy đã dùng dân thường làm lá chắn.
Bên ngoài trụ sở LHQ tại New York, liên minh các nhóm cứu trợ thúc giục hành động để tránh khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Đại sứ Pháp Francois Delattre cảnh báo, thất bại trong việc trợ giúp đông Ghouta sẽ là đòn giáng vào uy tín của LHQ. Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura cũng kêu gọi lệnh ngừng bắn khẩn cấp tại đông Ghouta; đồng thời cho hay Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - 3 nước bảo trợ tiến trình hòa bình Syria - dự kiến gặp gỡ ở thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 14-3 tới để thảo luận các biện pháp khẩn cấp giảm căng thẳng.
Tuy nhiên, ngừng bắn chỉ là giải pháp tạm thời, khi các bên liên quan vẫn nghi ngại nhau về thiện chí thúc đẩy hòa bình cho Syria và cũng khó có sự nhượng bộ. Cuộc giao tranh không chỉ xảy ra giữa hai bên (lực lượng chính phủ Syria và phe đối lập), mà còn có cả sự can thiệp của nhiều quốc gia khác nhằm theo đuổi lợi ích riêng. Vì vậy, Nga có cơ sở hoài nghi Mỹ có thể lợi dụng nghị quyết của HĐBA LHQ về lệnh ngừng bắn để thực hiện một “kế hoạch B” nào đó ở Syria.
PHÚC NGUYÊN