Từ ngày 18-2 đến nay, ít nhất 310 người đã thiệt mạng và hơn 1.550 người bị thương khi quân đội chính phủ Syria tấn công vào Đông Ghouta.
Ngày 21-2, có thêm ít nhất 38 người thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Đông Ghouta. Những con số này khiến Đông Ghouta trở thành nơi chết chóc nhất tại Syria trong vòng 3 năm qua.
Đứa trẻ sơ sinh được cứu thoát khỏi một đợt tấn công vào Đông Ghouta. Ảnh: AFP |
Theo tuyên bố của Trung tâm Nga về hòa giải các bên đối địch tại Syria, tình hình nhân đạo và kinh tế-xã hội ở Đông Ghouta đang hết sức nghiêm trọng. Tiến trình thương lượng nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại khu vực Đông Ghouta đã đổ vỡ, các tay súng phiến quân đã "phớt lờ" lời kêu gọi của Trung tâm Nga về hòa giải các bên đối địch tại Syria ngừng giao tranh, giao nộp vũ khí và giải quyết vấn đề quy chế của mình.
Trung tâm Nga cho biết trong 24h qua, các tay súng của các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Đông Ghouta đã 21 lần bắn vào thủ đô Damascus và các điểm dân cư ở tỉnh Rif Đa-mát, phía Tây Nam Syria.
Ngoài ra, lực lượng này còn ngăn cản dân thường rời khỏi khu vực chiến sự ở Đông Ghouta.
Trước diễn biến vô cùng nghiêm trọng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến tiến hành cuộc bỏ phiếu trong ngày 22-2 (theo giờ New York) về một dự thảo nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn 30 ngày tại Syria, nhằm cho phép các hoạt động phân phối hàng cứu trợ cũng như sơ tán các bệnh viện.
Thụy Điển, Kuwait- 2 nước đề xuất dự thảo trên, yêu cầu bỏ phiếu càng sớm càng tốt về dự thảo này.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an tổ chức một cuộc họp công khai ngay trong ngày 22-2, để thảo luận về tình hình tại khu vực Đông Ghouta của Syria.
"Chúng tôi có một đề nghị cụ thể, đó là triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an để thảo luận về tình hình tại Đông Ghouta và tôi nghĩ rằng điều này là cần thiết. Qua đó đảm bảo tất cả các bên liên quan có thể trình bày tầm nhìn cũng như những sự nhận thức về hoàn cảnh hiện tại, để đưa ra giải pháp giúp thoát khỏi tình hình", Đại sứ Vassily Nebenzia nói.
Diễn biến chiến sự ác liệt tại Đông Ghouta nổ ra sau khi quân đội chính phủ Syria tăng cường nỗ lực giành lại thành trì cuối cùng của phe nổi dậy từ ngày 18-2.
Liên đoàn Các tổ chức chăm sóc y tế (UOSSM) cho biết, giao tranh dữ dội giữa các bên khiến các bệnh viện quá tải bởi số lượng thương vong tăng cao. Ít nhất 12 cơ sở y tế bị trúng bom và không thể hoạt động.
Theo Hiệp hội Y khoa Syria-Mỹ (SAMS), tình hình thương vong tại Đông Ghouta đang ở mức cao nhất kể từ vụ tấn công vũ khí hóa học ở khu vực này vào năm 2013. Các bác sĩ cho biết, họ đã làm việc suốt 24 giờ đồng hồ để điều trị hàng trăm người bị thương, trong khi, các nguồn cung cấp y tế rất thiếu thốn do giao tranh từ năm 2012.
Các tổ chức cứu trợ và quan sát nhân quyền nhận định đợt tấn công này là một trong những chương đẫm máu nhất trong 7 năm nội chiến Syria. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã ra tuyên bố bày tỏ sự tiếc thương trước hàng chục thương vong là trẻ em tại chiến sự Đông Ghouta.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho rằng, những gì đang diễn ra tại Đông Ghouta là một chiến dịch hủy diệt khổng lồ chống lại dân thường. Bà Shamdasani-người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc nói: “Những gì đang diễn ra tại Đông Ghouta và nhiều vùng khác tại Syria có thể là tội ác chiến tranh. Các mục tiêu nhằm vào bệnh viện, các cơ sở y tế có thể cấu thành tội ác chiến tranh, ngăn không cho thường dân nhận được sự chăm sóc y tế cơ bản mà họ cần trong những tình huống này cũng cấu thành tội ác chiến tranh. "
Theo các nhà phân tích, đợt giao tranh và thương vong kinh hoàng này cho thấy cuộc nội chiến Syria vẫn rất tàn khốc và phức tạp, bất chấp các nỗ lực ngoại giao quốc tế.
Theo VOV