Thế vận hội mùa đông Pyeongchang: Thông điệp hòa bình hiếm hoi

.

Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc diễn ra lúc 20 giờ ngày 9-2 (18 giờ, giờ Việt Nam) giữa thời tiết lạnh giá với sự tham dự của các vận động viên đến từ 92 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có CHDCND Triều Tiên; mở ra hy vọng “tan băng” trong quan hệ liên Triều.

Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại sân vận động Pyeongchang.Ảnh: AFP
Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại sân vận động Pyeongchang.Ảnh: AFP

Thế vận hội mùa đông Pyeongchang mang chủ đề “Peace in Motion” (tạm dịch: Hòa bình trong chuyển động) là kỳ Thế vận hội lớn nhất với sự tham gia của 92 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hai phái đoàn của hai miền Triều Tiên cùng diễu hành trong sân vận động Olympic Pyeongchang ở thị trấn Hoenggye (thuộc tỉnh Gangwon) dưới một lá cờ thống nhất mang tên Korea, đồng thời sử dụng dân ca Arirang thay vì quốc ca hai nước. Điều này mở ra những hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn của một bán đảo vốn bị chia rẽ cả về lịch sử lẫn hệ tư tưởng. Sân vận động có sức chứa 35.000 chỗ ngồi này cũng sẽ là nơi diễn ra lễ bế mạc Thế vận hội vào ngày 25-2 tới.

Phái đoàn CHDCND Triều Tiên gồm hàng trăm người đến Hàn Quốc dự Thế vận hội, trong đó có 22 vận động viên - số lượng nhiều nhất trong tất cả các lần Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội mùa đông. Bình Nhưỡng và Seoul cũng thành lập đội tuyển nữ liên Triều thi đấu môn khúc côn cầu trên băng.

Báo New York Times cho biết, lễ khai mạc nhấn mạnh vào hòa bình xung quanh chuyến phiêu lưu cổ tích của 5 đứa trẻ không có thực đến từ tỉnh Gangwon với sự góp mặt của hàng ngàn người biểu diễn.

Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ngồi ở hàng ghế khán giả trong lễ khai mạc. Bà là thành viên đầu tiên và duy nhất trong gia tộc họ Kim thăm Hàn Quốc kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Trong lúc đó, Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu phái đoàn Mỹ cũng có mặt tại Hàn Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ với đồng minh truyền thống Seoul. Ông Pence đã đề nghị Hàn Quốc cắt đứt quan hệ với CHDCND Triều Tiên sau khi Thế vận hội kết thúc. Song, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in xem Thế vận hội lần này là vấn đề trọng tâm trong nỗ lực của ông nhằm giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán. “Nhiều người cho rằng không thể có giấc mơ về một Thế vận hội hòa bình”, ông Moon phát biểu với Ủy ban Olympic quốc tế hồi đầu tuần này. Người đứng đầu Nhà Xanh còn dự kiến dùng bữa trưa với phái đoàn CHDCND Triều Tiên vào hôm nay (10-2).

Chỉ vài giờ trước khi Thế vận hội khai mạc, Tổng đạo diễn chương trình Song Seung-whan cho biết, ngay cả khi CHDCND Triều Tiên không tham gia sự kiện này, “chúng tôi vẫn bắt đầu kịch bản với suy nghĩ về hòa bình”. Theo ông Song Seung-whan, việc Bình Nhưỡng quyết định có mặt tại Thế vận hội là điều ngạc nhiên và “đây sẽ là cơ hội hướng đến hòa bình mà chúng tôi muốn thể hiện với thế giới bằng một cách sâu sắc hơn”.

Còn bà Elisa Lee, huấn luyện viên môn bóng bàn của Hàn Quốc nói rằng, thay vì chú ý đến tất cả vận động viên xuất sắc đến từ khắp nơi trên thế giới, người dân xứ sở kim chi quan tâm đến đội tuyển nữ liên Triều thi đấu môn khúc côn cầu trên băng vì đây là dấu hiệu hai miền xích lại gần nhau.

Trong lúc đó, những người chỉ trích lo ngại rằng, để làm “tan băng” trong quan hệ liên Triều, Tổng thống Moon đã phải thỏa hiệp quá nhiều. Theo GS Yoon Pyung-Joong tại Trường Đại học Hanshin, khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên không thể được giải quyết chỉ bằng một sự kiện thể thao hoặc một hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Theo Reuters, đây không phải là lần đầu tiên các vận động viên CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành dưới một lá cờ chung. Họ từng có động thái tương tự tại Thế vận hội Sydney (Úc) năm 2000, Thế vận hội Athens (Hy Lạp) năm 2004, Thế vận hội Torino (Ý) năm 2006. Với sự kiện lần này, giới quan sát cho rằng, căng thẳng giữa hai miền sẽ không hoàn toàn được dỡ bỏ nhưng việc dùng một lá cờ chung vẫn là khoảnh khắc ý nghĩa.

13 tỷ USD là số tiền Hàn Quốc chi cho Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, chủ yếu để xây dựng các công trình phục vụ sự kiện này. Trong đó, sân vận động Pyeongchang được xây mới với 109 triệu USD.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.