Trung Quốc chỉ trích báo cáo hạt nhân của Mỹ

.

Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) của Mỹ vừa được công bố nêu rõ Trung Quốc là đối thủ hạt nhân tiềm tàng của Washington. Bắc Kinh chỉ trích báo cáo này.

Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Paul Selva, đến tham dự phiên họp về báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018.                    Ảnh: Getty Images
Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Paul Selva, đến tham dự phiên họp về báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018. Ảnh: Getty Images

Phần lớn nội dung của NPR tập trung vào Nga, chỉ một vài phần đề cập sự thiếu minh bạch trong việc xây dựng hạt nhân của Trung Quốc. Song, điều này làm dấy lên sự chỉ trích từ Bắc Kinh.

Ngày 4-2, Trung Quốc chỉ trích NPR khi báo cáo này cho rằng Bắc Kinh là đối thủ hạt nhân tiềm tàng của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington giảm kho vũ khí hạt nhân của mình và tham gia thúc đẩy sự ổn định ở khu vực. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định các lực lượng hạt nhân của nước này ở “mức tối thiểu” để bảo đảm an ninh quốc gia và cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ tình huống nào. Bộ Quốc phòng Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ tư tưởng Chiến tranh Lạnh và gánh trách nhiệm đi đầu trong việc giải trừ hạt nhân.

Hãng AP cho biết, NPR đề cập việc Trung Quốc đã bổ sung khả năng hạt nhân mới và “không minh bạch” về những dự định của Bắc Kinh. NPR vạch ra chính sách của Mỹ trong tương lai hướng đến mở rộng và phát triển năng lực hạt nhân. Báo cáo nhận định: Mỹ đang đối mặt với môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng đạt được những tiến bộ trong phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân, các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân.

Không những thế, NPR nhấn mạnh cái gọi là “mối quan ngại của chính phủ Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga”; tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng vũ khí hạt nhân nhằm gia tăng khả năng răn đe. NPR cũng cho hay, Mỹ muốn ngăn chặn Bắc Kinh kết luận sai lầm rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân dù có giới hạn nhưng đều có thể chấp nhận được.

NPR đề xuất phát triển các loại vũ khí hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn với sức nổ dưới 20 kiloton. Mỹ cũng cam kết không bao giờ sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá lớn, mà hướng đến phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn để đối phó với các tình huống khẩn cấp, bao gồm các cuộc tấn công phi hạt nhân. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hệ thống bộ ba hạt nhân chiến lược, bao gồm các vũ khí hạt nhân trên bộ, trên biển và trên không, được triển khai rộng rãi vào những năm 80 của thế kỷ trước, cho đến khi có chương trình thay thế.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 5 thế giới, với 300 đầu đạn. Trong khi đó, Mỹ và Nga mỗi nước sở hữu khoảng 7.000 đầu đạn, gấp 20 lần Bắc Kinh.

Các nhà quan sát và Nga lo ngại những công bố của Mỹ có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, gây ảnh hưởng đến những nỗ lực của toàn cầu trong việc cấm phổ biến loại vũ khí này. Nga lên án bản chất “hiếu chiến” và “chống Nga” trong NPR, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia của mình. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, nước này cũng sẵn sàng hợp tác với Mỹ nhằm thúc đẩy mối quan hệ ổn định và duy trì sự ổn định chiến lược.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, quân đội Mỹ đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai. Điều đáng nói là chính sách hạt nhân mới này đã chấm dứt các nỗ lực của chính phủ tiền nhiệm Barack Obama nhằm giảm quy mô kho vũ khí của Mỹ, tối thiểu hóa vai trò vũ khí hạt nhân trong kế hoạch quốc phòng; thay vào đó, thể hiện tham vọng hạt nhân của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Trump. Trong thông điệp liên bang vài ngày trước đó, Tổng thống Trump cũng kêu gọi hiện đại hóa và tái xây dựng kho vũ khí hạt nhân nhằm gia tăng sức mạnh răn đe.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.