Trung Quốc sắp lập "siêu bộ" chống tham nhũng

.

Tháng 3 tới, “siêu bộ” chống tham nhũng sẽ được thành lập nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Kế hoạch thành lập “siêu bộ” chống tham nhũng được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đưa ra hồi tháng 1 vừa qua. Theo đó, Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) - cơ quan hợp nhất tất cả cơ chế chống tham nhũng thuộc Đảng và chính phủ với quyền năng truy tố không chỉ đảng viên mà còn tất cả cán bộ nhà nước - sẽ được CCDI thành lập tại kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, dự kiến bắt đầu vào ngày 5-3 tới, để giám sát cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Tập Cận Bình muốn thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng bằng việc thành lập “siêu bộ” - Ủy ban Giám sát quốc gia. 		Ảnh: EPA
Ông Tập Cận Bình muốn thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng bằng việc thành lập “siêu bộ” - Ủy ban Giám sát quốc gia. Ảnh: EPA

Kỳ họp sắp tới cũng sẽ xem xét thông qua Luật Giám sát, công bố các thành viên NSC, đưa nội dung liên quan thể chế giám sát quốc gia vào Hiến pháp. Đây là cách tiếp cận mang tính thể chế hóa hơn của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng, thay vì chống tham nhũng theo chiến dịch như nhiệm kỳ trước. Trong kỳ họp này, những nội dung sửa đổi Hiến pháp dự kiến được thảo luận và thông qua.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà phân tích chính trị cho rằng, những đổi thay nói trên nhằm trao quyền hơn nữa cho CCDI nhằm thúc đẩy đến cùng việc chống tham nhũng. Ông Tập Cận Bình từng cam kết mạnh tay chống tham nhũng trong Đảng, đồng thời khẳng định Trung Quốc cần những cơ chế mạnh mẽ để hình thành một “cái lồng” ngăn chặn các quan chức mọi cấp vi phạm luật pháp.

Theo báo chí Trung Quốc, tại một số địa phương, số người bị điều tra có thể gia tăng sau khi NSC thành lập thêm các chi nhánh ở các tỉnh, thành phố, huyện trên khắp đất nước. Chẳng hạn, ở thành phố cảng Thiên Tân, theo hãng Tin tức Bắc Kinh, số người bị giám sát tăng từ 90.000 người lên 600.000 người. Số người bị đưa vào giám sát trên cả nước hiện chưa được công bố.

Song, theo dự thảo Luật Giám sát, tất cả nhân viên nhà nước và khu vực công; những người quản lý làm việc tại các trường học, bệnh viện, công ty nhà nước có thể là mục tiêu của “siêu bộ” mới, dù họ là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không. Mới đây nhất, ông Dương Tinh, Ủy viên Quốc vụ kiêm Tổng Thư ký Quốc vụ viện bị lập hồ sơ điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - cụm từ ám chỉ hành vi tham nhũng, và sẽ bị giám sát trong vòng 1 năm. Trước đó, ngày 23-2, cựu Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến, ông Tô Thụ Lâm, bị buộc tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền hạn trong một số dự án dầu mỏ. Ông Tô Thụ Lâm từng giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến. Hồi tháng 1, ông Lý Di Hoàng, Phó Tỉnh trưởng Giang Tây, bị điều tra vì cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”.

Tuy nhiên, Giáo sư Khoa học chính trị và luật ở Thượng Hải, ông Tong Zhiwei, quan ngại dự luật Giám sát nếu trở thành luật sẽ trao cho NSC quá nhiều quyền lực, vượt tầm kiểm tra của tòa án và các công tố viên, vượt khuôn khổ luật pháp. Theo đó, một vấn đề gây tranh cãi là NSC có quyền lưu giữ nghi phạm tham nhũng để thẩm vấn tới 6 tháng, bao gồm giữ người để điều tra trong 3 tháng và có thể gia hạn giam giữ thêm 3 tháng. Hình thức này được gọi là “lưu giữ” (liuzhi); thời hạn giam giữ và quyền gặp luật sư của đối tượng bị giam đều do NSC quyết định.

Hình thức “lưu giữ” được ông Tập Cận Bình công bố hồi tháng 10-2017 nhằm thay thế hệ thống “song quy” (shuanggui) vốn được CCDI áp dụng để giam giữ người và điều tra các đảng viên trước đây.

Theo NBC News, trong 5 năm qua, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trừng phạt hơn 1,5 triệu quan chức trong đảng có hành vi tham nhũng. Các nhà quan sát cho rằng, những biện pháp cứng rắn được đưa ra đã gia tăng uy tín của ông Tập Cận Bình trong người dân Trung Quốc.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.