Cùng với Mỹ, Canada và Australia, các nước châu Âu đã tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga với những lời lẽ cứng rắn.
Ảnh minh họa: Reuters |
Sputnik dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh: “14 trong tổng số 28 quốc gia EU đã đi đến quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga như một biện pháp thể hiện sự đoàn kết với London trong vụ Skripal… Các biện pháp bổ sung, bao gồm khả năng gia tăng các lệnh trừng phạt Nga trong khuôn khổ EU cũng sẽ được cân nhắc trong những ngày sắp tới”.
Những nước phản ứng mạnh mẽ nhất
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Slovakia Peter Susko tuyên bố: “Cộng hòa Slovakia lên án mạnh mẽ vụ tấn công bằng khí độc [phương Tây cáo buộc Nga ám sát cựu điệp viên Skripal-ND] ở Salibury, Anh và ủng hộ quyết định của Hội đồng châu Âu trong việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga cũng như bảo lưu quyền tiến hành thêm các bước đi tiếp theo liên quan đến vụ việc này.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi phương án, Bộ Ngoại giao Slovakia đã quyết định triệu tập khẩn cấp Đại sứ Nga tại Slovakia trong ngày 27/3 và yêu cầu vị Đại sứ này giải thích về vụ việc”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức cho biết, 4 nhà ngoại giao Nga tại Đức đã bị nước này trục xuất và phải rời khỏi Đức trong vòng 1 tuần. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đan Mạch Anders Samuelsen tuyên bố: “Cùng với các nước trong và ngoài EU, Đan Mạch đã quyết định trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga. Đại sứ Nga tại Đan Mạch đã được thông báo về quyết định này”.
Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius tuyên bố: “Chúng tôi đã làm hết sức mình để thể hiện tình đoàn kết với các đồng minh cũng như đi đến kết luận cần phải có những biện pháp riêng rẽ trong vụ này”.
Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz nhấn mạnh”: “Ba Lan quyết định tuyên bố “không hoan nghênh” [thuật ngữ ngoại giao về việc trục xuất-ND] 4 nhà ngoại giao Nga.
Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Estonia Sven Mikser, Đại sứ Nga tại nước này đã được thông báo về việc tùy viên quân sự Nga tại Estonia sẽ bị trục xuất.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary tuyên bố: “Dựa trên những gì đã trao đổi trong cuộc họp Hội đồng châu Âu, Hungary quyết định trục xuất một nhà ngoại giao Nga vì đã tiến hành các hoạt động tình báo tại nước này. Trong khi đó, Ireland tuyên bố sẵn sàng trục xuất ít nhất 1 nhà ngoại giao Nga.
Áo, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối trục xuất
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Áo cho biết, Thủ tướng Sebastian Kurz tuyên bố, Áo giữ thái độ trung lập trong vụ này và không định trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao nào. Áo cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác để khôi phục quan hệ Đông-Tây.
“Chúng tôi sẽ không tiến hành bất kỳ biện pháp nào trên bình diện quốc gia. Chúng tôi sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao. Lý do cho việc này là chúng tôi muốn duy trì việc mở các kênh đối thoại với Nga.
Áo là quốc gia trung lập và sẽ đóng vai trò cầu nối Đông-Tây. Tuy nhiên, chúng tôi ủng hộ quyết định triệu hồi Đại sứ EU ở Nga”, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz chia sẻ trên Twitter. Cùng chung quan điểm với Áo, Bulgaria cho biết, nước này không có ý định trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định trừng phạt Nga liên quan đến vụ Skripal: ‘Cuộc khủng hoảng liên quan đến cựu điệp viên này là việc riêng của Nga và Anh, họ phải tự giải quyết. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào chống lại Nga liên quan đến vụ việc này, chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp với Nga”.
Séc: Cần “phân biệt rõ” nhà ngoại giao và điệp viên ngầm
Trong khi đó, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết, nước này sẽ không trục xuất nhà ngoại giao Nga mà là “các điệp viên ngầm” để đáp trả vụ cựu điệp viên Skripal bị ám sát. Ông Babis tuyên bố: “Việc sử dụng thuật ngữ “nhà ngoại giao” [trong vụ Skripal-ND] là không chính xác. Trên thực tế, đó chính là các điệp viên ngầm”.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Thủ tướng Séc Babis tuyên bố ông đang cân nhắc khả năng trục xuất một vài nhà ngoại giao Nga để thể hiện tình đoàn kết với Anh trong vụ Skripal.
“Dù Anh đã rút khỏi EU, chúng tôi vẫn sẽ làm mọi điều để đảm bảo rằng châu Âu vẫn đoàn kết và vững mạnh. Ngoài ra, Anh vẫn là thành viên hàng đầu của NATO cũng như đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương và là đối tác quan trọng của Séc. Chính vì thế, chúng tôi phải ủng hộ Anh”.
Theo VOV