Hai miền Triều Tiên đàm phán, Nhật lo ngại

.

Thỏa thuận giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc về việc hai miền sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 4 tới cũng như khả năng Mỹ và Bình Nhưỡng đàm phán khiến Nhật Bản lo ngại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc gặp gỡ vào tháng 9-2017. Tokyo hiện mong muốn thúc đẩy sự hợp tác 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn.   Ảnh: Business Korea
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc gặp gỡ vào tháng 9-2017. Tokyo hiện mong muốn thúc đẩy sự hợp tác 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn. Ảnh: Business Korea

Điều mà Nhật Bản lo lắng là việc sẽ bị “bỏ mặc”. Hãng Reuters thậm chí mô tả đây là “ác mộng ngoại giao” của Tokyo, bởi khi CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như Triều Tiên và Mỹ ngồi vào bàn nghị sự thì Nhật Bản có thể bị loại khỏi các cuộc đàm phán liên quan đến mối quan hệ với Bình Nhưỡng. Những dấu hiệu về việc giảm căng thẳng xung quanh mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên được Nhật Bản đón nhận bằng sự hoài nghi. Một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản cho biết: “Quan ngại chính là Hàn Quốc có thể dễ dàng chấp thuận đề xuất của CHDCND Triều Tiên về một cuộc gặp song phương”.

Phái đoàn Hàn Quốc đã trở về nước vào ngày 6-3 sau cuộc gặp lần đầu tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng. Phái đoàn này đã thông báo về một thỏa thuận tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền vào cuối tháng 4 tới, sự kiện lần đầu tiên diễn ra kể từ năm 2007 đến nay. Phía Hàn Quốc cho biết, ông Kim Jong-un đã đề nghị đối thoại với Mỹ về vấn đề giải giáp hạt nhân, đồng thời ngừng thử tên lửa và hạt nhân trong lúc đàm phán. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon ngày 7-3 khẳng định, Seoul sẽ nỗ lực duy trì bầu không khí hòa giải hiện nay nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều và tạo lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Giới quan sát cũng đánh giá thỏa thuận về hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên là bước đột phá ngoại giao lớn và quan trọng. Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nhìn nhận “thiện chí” của CHDCND Triều Tiên.

Vì vậy, cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản nói trên có cơ sở khi cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe đang đối mặt với thời điểm không chắc chắn. Theo cựu quan chức này, Tổng thống Donald Trump là một người khó đoán. Nếu điều gì có thể giúp nâng tỷ lệ ủng hộ của ông Trump ở trong nước, nhà lãnh đạo này sẽ chấp nhận. “Nếu CHDCND Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, Washington sẽ hoàn toàn không hứng thú ngồi xuống với Nhật Bản. Điều này sẽ làm vị thế của ông Abe trở nên rất khó khăn”, cựu quan chức Mỹ nói.

Theo các nhà quan sát, Nhật Bản lo lắng Mỹ có thể chấm dứt thỏa thuận bảo vệ các thành phố của quốc gia vùng Đông Bắc Á này trước một vụ tấn công tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Trong các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, nhiều tên lửa đã bay ngang qua lãnh thổ Nhật. Các chuyên gia Nhật nhìn nhận, việc Triều Tiên bắn tên lửa hướng về Nhật Bản là sự tính toán có chủ đích; chẳng hạn, vụ thử tên lửa hồi tháng 8-2017 hướng thẳng về Hokkaido - một trong các đảo chính của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên là khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất mà Nhật Bản đối mặt kể từ sau Thế chiến thứ hai và quan điểm cứng rắn của ông đã nhận được sự ủng hộ ngay trong nước.

Khi Thế vận hội mùa đông Pyeongchang diễn ra ở Hàn Quốc vào tháng 2 vừa qua, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên “hạ nhiệt”. Song, Nhật Bản vẫn kêu gọi gây “áp lực tối đa” lên Bình Nhưỡng. Phát biểu với báo giới ngày 7-3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng nói rằng, để có các cuộc đàm phán ý nghĩa với CHDCND Triều Tiên, Bình Nhưỡng phải có những bước đi cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa.

GS Brad Glosserman tại Đại học Tama (Nhật Bản) cũng mô tả mối quan ngại của Tokyo là bị “đứng bên lề” trong các cuộc đàm phán về quan hệ với CHDCND Triều Tiên, dù Nhật có mối quan hệ an ninh lâu đời với Mỹ. “Quan ngại là ông Trump sẵn sàng chấm dứt thỏa thuận và thể hiện với thế giới rằng “quan hệ đặc biệt giữa Shinzo và Donald”, giữa Mỹ và Nhật Bản là trống rỗng…”, GS Glosserman nói.   
Có mặt tại Washington trong tuần này, cố vấn Katsuyuki Kawai của Thủ tướng Abe mong muốn củng cố liên minh và thúc giục sự hợp tác 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn. “Nhật Bản không phải là nước quan sát, Nhật là một trong những nhân tố quan trọng”, cố vấn Kawai khẳng định.

Hãng AFP cho biết, ngày 7-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ hy vọng đàm phán 6 bên về vấn đề giải trừ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ sớm diễn ra. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, đây là thời điểm vô cùng quan trọng trong các nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.