Mỹ và Hàn Quốc công bố sẽ tiến hành tập trận quân sự chung vào tháng 4 tới với quy mô nhỏ hơn nhằm không ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên cũng như khả năng gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un.
CHDCND Triều Tiên phải cam kết ngừng thử tên lửa và hạt nhân trong thời gian diễn ra các cuộc gặp thượng đỉnh. Trong ảnh: Tên lửa Hwasong-15 của Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/AP |
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 20-3 xác nhận với hãng AFP, cuộc tập trận quân sự “Đại bàng non” giữa Seoul và Mỹ sẽ được nối lại vào ngày 1-4 tới, đồng thời chỉ diễn ra trong 1 tháng, thay vì kéo dài 2 tháng. Cuộc tập trận này trước đó bị hoãn do sự kiện Thế vận hội mùa đông Pyeongchang diễn ra ở Hàn Quốc và cũng do quân đội mỗi nước đều có lịch trình riêng.
Sự kiện “Đại bàng non” nằm trong chuỗi diễn tập quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, với sự tham gia của gần 11.500 binh sĩ Mỹ cùng 290.000 binh sĩ Hàn, nhưng lần này không có sự hiện diện của tàu sân bay hay vũ khí chiến lược khác. Trong khi đó, tập trận “Giải pháp then chốt” là hình thức diễn tập với các tình huống mô phỏng chủ yếu trên máy tính.
Trong một tuyên bố, Lầu Năm Góc cũng xác nhận việc nối lại tập trận, đồng thời cho rằng việc diễn tập chỉ mang tính phòng vệ và không có lý do để CHDCND Triều Tiên xem đây là “hành động khiêu khích”. Người phát ngôn tại Bộ Tư lệnh các lực lượng liên hợp (CFC) Mỹ - Hàn khẳng định: “Vào lúc này, không có kế hoạch triển khai tàu sân bay Mỹ và các vũ khí chiến lược khác” trong cuộc tập trận “Đại bàng non”.
Theo AFP, trong lúc các bên nỗ lực thiết lập các cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên và giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ, có những đồn đoán rằng, diễn tập lần này có quy mô nhỏ hơn nhằm tránh ảnh hưởng đến hội đàm. Theo một đại diện ngoại giao của Hàn Quốc, người đã có chuyến thăm hiếm hoi đến Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 3 này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu rõ rằng, tập trận vẫn cần diễn ra. Song, nhận định này trái với quan điểm và tuyên bố của ông Kim Jong-un trước đây, bởi CHDCND Triều Tiên vẫn thường phản ứng gay gắt mỗi khi Hàn Quốc và Mỹ tập trận. Năm ngoái, Bình Nhưỡng phản ứng bằng việc phóng 4 tên lửa đạn đạo đến gần lãnh thổ Nhật Bản. Hồi đầu tháng 3 này, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ “phản đối” nếu Mỹ và Hàn tiếp tục tập trận.
GS Kim Yong-hyun tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng, Mỹ và Hàn chuẩn bị tập trận ở mức độ thấp nhằm tránh tạo sự khiêu khích không cần thiết đối với CHDCND Triều Tiên. Theo ông Kim Yong-hyun, “cả CHDCND Triều Tiên lẫn Mỹ và Hàn Quốc đều cần kiểm soát tình hình trong thời gian diễn ra tập trận”.
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy kế hoạch gặp thượng đỉnh với CHDCND Triều Tiên vào cuối tháng 5 tới; còn cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 tại làng đình chiến Panmunjom. Cũng theo một đặc sứ Hàn Quốc, người đã gặp gỡ ông Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã đề nghị xem xét việc ngừng chương trình vũ khí hạt nhân của ông để đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Mỹ; đồng thời quốc gia châu Á này sẽ ngừng toàn bộ việc thử tên lửa và hạt nhân trong lúc các bên đối thoại.
Tuy nhiên, trong lúc này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha lại khẳng định, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ không được nới lỏng cho đến khi Bình Nhưỡng có hành động cụ thể về giải trừ vũ khí hạt nhân. Bà cũng nhắc lại rằng Bình Nhưỡng sẽ không nhận được sự nhượng bộ nào nếu chỉ đơn thuần công khai đàm phán. Vấn đề mà bà Kang Kyung-wha đặt ra là cần lộ trình giải trừ vũ khí hạt nhân cụ thể trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Vì thế, vẫn chưa thể khẳng định các cuộc gặp riêng rẽ như thế sẽ diễn ra như dự kiến, dù CHDCND Triều Tiên được cho là đang tỏ rõ thiện chí. Ông Kim Byung-yeon, chuyên gia về kinh tế của CHDCND Triều Tiên tại Đại học quốc gia Seoul cho rằng, các biện pháp trừng phạt thúc đẩy Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán. “Tôi nghĩ, CHDCND Triều Tiên sẽ thể hiện thiện chí hơn trước đây trong các cuộc đàm phán sắp tới”, ông Kim Byung-yeon nói.
PHÚC NGUYÊN