Nhà khoa học vũ trụ Stephen Hawking qua đời

.

ĐNO - Giáo sư Stephen Hawking, nổi tiếng với thuyết vụ nổ vũ trụ “The Big Bang” và “cuốn lược sử thời gian” đã qua đời vào sáng ngày 14-3 ở tuổi 76 do các biến chứng của bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) và chứng loạn dưỡng cơ tiến triển.

Giáo sư Stephen Hawking qua đời sau nhiều năm sống chung với căn bệnh teo cơ tủy sống. Ảnh: BBC
Giáo sư Stephen Hawking qua đời sau nhiều năm sống chung với căn bệnh teo cơ tủy sống. Ảnh: BBC

Hãng BBC dẫn thông báo chính thức xác nhận về sự ra đi của Stephen Hawking từ phía gia đình ông.

Các con của Stephen Hawking xúc động viết: “Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin người cha yêu quý của chúng tôi đã qua đời hôm nay. Ông ấy là một nhà khoa học vĩ đại và là một người đàn ông phi thường. Những công trình nghiên cứu và di sản của ông sẽ tồn tại theo thời gian”.

Người thân trong gia đình nhà vật lý quá cố cũng bày tỏ sự mất mát to lớn trước sự ra đi của ông bởi lẽ chính “óc sáng tạo”, “tinh thần quả cảm” và “khiếu hài hước” của ông đã truyền cảm hứng sống mạnh mẽ cho nhiều người trên thế giới.

Stephen Hawking, sinh ngày 8-1-1942, là nhà vật lý lý thuyết và nhà vũ trụ học nổi tiếng nhất thế giới với những nghiên cứu của ông về hố đen, những hố trọng lực không đáy sâu và đặc đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra.

Ông là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học hiện đại dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử, và ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải nhiều thế giới về cơ học lượng tử.

Hawking cũng nổi tiếng với việc viết những cuốn sách phổ biến khoa học trong đó ông thảo luận lý thuyết của ông cũng như vũ trụ học nói chung. Đáng chú ý, cuốn Lược sử thời gian (A Brief History of Time), đứng trong danh sách bán chạy nhất của Sunday Times. 

Hawking đã kiên cường chống chọi căn bệnh ALS vô phương cứu chữa trong suốt 55 năm qua. Trong khi hầu hết người mắc loại bệnh khiến các tế bào thần kinh tê liệt này chỉ có thể sống được 2 đến 5 năm kể từ khi bắt đầu phát bệnh.

Vào năm 2009, Hawking rơi vào tình trạng nguy kịch vì căn bệnh nan y này, và nhiều chuyên gia lo ngại thời gian của ông sắp hết. Thế nhưng, căn bệnh không thể khuất phục được tinh thần của nhà bác học “bậc thầy vũ trụ”, và ông tiếp tục theo đuổi đam mê thuyết hình thành vũ trụ, nghiên cứu về mối lo ngại của trí tuệ nhân tạo.

Cuộc chiến bền bỉ chống lại căn bệnh hiểm nghèo của Hawking, dù được giải thích bằng lý do nào đi nữa, cũng khiến ông trở thành một minh chứng kỳ diệu cho sức sống mạnh mẽ của con người.

ANH THƯ

 

;
.
.
.
.
.
.