Nhiệm kỳ khó khăn của ông Putin

.

Tổng thống Vladimir Putin sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới trong 6 năm với nhiều thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại, trong đó có áp lực thực hiện cải cách và giải quyết căng thẳng với phương Tây.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định “thành công đang chờ đợi” nước Nga.Ảnh: AFP/Getty Images
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định “thành công đang chờ đợi” nước Nga.Ảnh: AFP/Getty Images

Chiến thắng của ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18-3 là điều không cần bàn cãi. Theo kết quả do Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga công bố ngày 19-3, ông Putin giành được 76,68% số phiếu ủng hộ, bỏ xa 7 ứng cử viên còn lại.

Đây cũng là chiến thắng lớn nhất của ông Putin và của bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào thời hậu Xô viết. Như vậy, Tổng thống Putin sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư trong 6 năm, tức đến năm 2024 khi ông 71 tuổi và trở thành nhà lãnh đạo thứ hai nắm quyền lâu nhất ở Nga, chỉ sau Josef Stalin - người đã điều hành đất nước gần 30 năm. Nhà phân tích Fareed Zakaria của hãng CNN gọi Putin là người đàn ông quyền lực nhất thế giới.

Phát biểu trước những người ủng hộ gần Quảng trường Đỏ, trung tâm thủ đô Mátxcơva, Tổng thống Putin khẳng định “thành công đang chờ đợi” nước Nga, đồng thời gọi đây là cuộc bỏ phiếu của niềm tin đối với những thành quả mà ông đã đạt được trong điều kiện khó khăn.

“Cảm ơn vì chúng ta là một đội mạnh với hàng triệu con người”, Tổng thống Putin nói và nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì sự đoàn kết. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả kết quả bầu cử phản ánh rằng, người dân Nga luôn ủng hộ những kế hoạch của ông Putin để phát triển đất nước.

Song, các nhà quan sát cho rằng, ngoài nỗ lực thực hiện cải cách sâu sắc về cấu trúc hệ thống trong nước, thách thức lớn nhất của Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ mới là giải quyết mối quan hệ căng thẳng với phương Tây. Một câu hỏi đặt ra là ông chủ Điện Kremlin có “mềm hóa” quan điểm chống phương Tây hay không.

Nga đang căng thẳng với phương Tây xung quanh các vấn đề Syria và Ukraine; bên cạnh đó là các cáo buộc tấn công mạng, can thiệp bầu cử ở Mỹ năm 2016 và đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal cùng con gái của ông này trên lãnh thổ Anh.

Hệ quả là quan hệ giữa Nga với phương Tây đang xuống đến mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời Mátxcơva chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt cả về kinh tế lẫn ngoại giao. Mới đây, Mỹ tiếp tục áp đặt thêm cấm vận với một số cá nhân và tổ chức Nga.

Thêm vào đó, ảnh hưởng từ cấm vận cùng với giá dầu những năm qua giảm mạnh khiến Nga phải chật vật phục hồi từ cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất trong 2 thập niên qua. Kinh tế Nga đang có những dấu hiệu khởi sắc với mức tăng trưởng 1,4% vào năm ngoái, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa tăng; tỷ lệ lạm phát xuống thấp kỷ lục, ở mức 2,5%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì mức tương đối thấp 5,1%. Song, khó khăn và thách thức vẫn chồng chất, đòi hỏi sự nỗ lực của Tổng thống Putin cùng nội các.

Ngay sau khi có kết quả chiến thắng, một trong những tuyên bố công khai của Tổng thống Putin là bác bỏ cáo buộc của Anh về trách nhiệm của Nga trong vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc. Nhà lãnh đạo Nga thậm chí gọi những cáo buộc là “rác rưởi và vô nghĩa”. Giới phân tích cho rằng, phát biểu của ông Putin cũng là tuyên bố đanh thép, không khoan nhượng, nghĩa là sẽ khó có chuyện “mềm hóa” trong mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với phương Tây.

Nhà tư vấn chính sách ở Mátxcơva, Evgeny Minchenko, có cơ sở để dự đoán “ông Putin sẽ không thoái lui”. Đặc biệt, riêng khủng hoảng ngoại giao với Anh không còn trong phạm vi giữa hai nước, mà còn có thể liên quan đến các đồng minh của London như Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vì vậy, chính sách đối ngoại sẽ là gánh nặng lớn đối với Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo 65 tuổi này đã nhấn mạnh rằng, còn rất nhiều nhiệm vụ phức tạp và khó khăn trước mắt nhưng nước Nga có thể tạo ra bước đột phá trong tương lai. Ông có niềm tin vững chắc như vậy và cử tri cũng tin như vậy. Cử tri đã bỏ phiếu chọn ông Putin bởi với họ, không ai có thể thay thế ông - niềm tự hào của người dân xứ sở bạch dương.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.