Ông John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia

Mỹ dùng chiến lược ngoại giao cứng rắn?

.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) John Bolton sẽ làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từ ngày 9-4. Sự bổ nhiệm bất ngờ này đặt ra nhiều nghi ngại về việc Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi chiến lược ngoại giao đối với Iran và CHDCND Triều Tiên.

Ông John Bolton làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ tháng 8-2005 đến tháng 12-2006.  Ảnh: AP
Ông John Bolton làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ tháng 8-2005 đến tháng 12-2006. Ảnh: AP

Cựu Đại sứ John Bolton, nhà bình luận của Fox News sẽ làm Cố vấn an ninh quốc gia thứ ba của Mỹ chỉ trong vòng 14 tháng kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống. Không như vị trí ngoại trưởng hay bộ trưởng quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ làm việc trực tiếp với Tổng thống và đảm nhận chức vụ mà không cần được sự phê chuẩn của Thượng viện.

Theo đó, ông Bolton sẽ thay thế ông H.R. McMaster - người vừa từ chức - trong lúc có những quan ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 và trong lúc Mỹ chuẩn bị gặp thượng đỉnh CHDCND Triều Tiên vào cuối tháng 5 tới. Ông Bolton sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Mỹ, trong đó có các quyết định về an ninh nhưng có thể vị quan chức 69 tuổi này sẽ mang quan điểm cứng rắn đối với Tehran và Bình Nhưỡng vào Nhà Trắng.

Hãng AP cho biết, quyết định chọn ông Bolton vào vị trí Cố vấn an ninh quốc gia được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump thay thế Ngoại trưởng Rex Tillerson bằng một nhân vật cũng có quan điểm chống Iran - Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo. Việc sa thải Tướng 3 sao McMaster không gây ngạc nhiên bởi đã được đồn đoán từ lâu, nhưng bổ nhiệm ông Bolton - Đại sứ dưới thời Tổng thống G.W.Bush - vào vị trí hàng đầu của một cơ quan an ninh quan trọng là điều bất ngờ. Nhiều người trong đảng Cộng hòa phản đối sự lựa chọn này. Một nghị sĩ đảng Cộng hòa giấu tên thừa nhận một số quan ngại khi “nhân vật diều hâu” Bolton đảm nhận cương vị mới. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Edward Markey mô tả việc bổ nhiệm là “mối nguy hiểm lớn cho người dân Mỹ và là thông điệp rõ ràng từ Tổng thống Trump rằng, ông đang chuẩn bị các cuộc xung đột quân sự”.

Ông Bolton từng ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq và chủ trương tiến hành các biện pháp quân sự để giải quyết nhanh chóng vấn đề Iran cũng như CHDCND Triều Tiên. Điều này khiến ông trở nên xa cách với một số người trong đảng Cộng hòa. Ý thức hệ của ông Bolton đối với quyền lực Mỹ phù hợp với cách nói chuyện hùng hồn của Tổng thống Trump mặc dù cả hai ông chưa hẳn đồng quan điểm về các cuộc chiến tranh ở nước ngoài.

Dưới thời Tổng thống G.W.Bush, ông Bolton còn làm Thứ trưởng về kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao. Ông là một trong những người góp công xây dựng giả thuyết cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein có kho vũ khí hủy diệt khổng lồ - nền tảng để Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.
Theo báo Washington Post, việc ông Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia là động thái nhằm dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 5. Trong nhiều bài viết và bình luận trước đó, ông Bolton duy trì quan điểm rằng, “chiến tranh phủ đầu” (preemptive war) là cách duy nhất để ngăn Bình Nhưỡng tấn công Mỹ bằng một tên lửa hạt nhân. “Sẽ vô vùng hợp pháp cho Mỹ khi phản ứng với tình thế hiện nay dấy lên từ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bằng cách tấn công phủ đầu”, ông Bolton từng viết trên tờ The Wall Street Journal.

Giới chức Hàn Quốc đang lo ngại về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, thậm chí cho rằng thiện chí đàm phán có thể biến mất khi có sự xuất hiện của người theo chủ nghĩa tân bảo thủ, hiếu chiến Bolton. Còn ông Abraham Denmark, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á cho rằng, ông Bolton được chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia nghĩa là Tổng thống Trump đang để ngỏ khả năng dùng giải pháp quân sự đối với vấn đề CHDCND Triều Tiên và Mỹ có thể sớm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.