Ngày 17-3, tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIII (tức Quốc hội), ông Tập Cận Bình được bầu tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch nước nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai với số phiếu tuyệt đối: 2.970 phiếu. Đồng thời, ông cũng được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Ông Tập Cận Bình (phải) tiếp tục làm Chủ tịch nước, còn ông Vương Kỳ Sơn làm Phó Chủ tịch nước. Ảnh: Tân Hoa xã |
Ông Vương Kỳ Sơn, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng được xem là “cánh tay phải” của ông Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng, trở thành Phó Chủ tịch nước với 2.969 phiếu ủng hộ, chỉ có 1 phiếu chống. Ông Lật Chiến Thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập, cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối để trở thành Chủ tịch Quốc hội.
Hãng Tân Hoa xã cho biết, ngay sau khi được bầu, tuyên thệ nhậm chức trước bản Hiến pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết làm việc để xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa “thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, văn hóa tiên tiến, hài hòa và tươi đẹp”. Nhiệm kỳ thứ 2 của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ kết thúc vào năm 2023. Trước đó, Quốc hội Trung Quốc khóa XIII đã thông qua các nội dung sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước, mở đường cho khả năng ông Tập Cận Bình có thể tại nhiệm suốt đời.
Tân Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư và tân Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn cũng đọc lời tuyên thệ trước bản Hiến pháp.
Từ năm 2016, quan chức các cấp của chính phủ Trung Quốc đều thề trung thành với Hiến pháp khi nhậm chức. Song, thủ tục này vừa được chính thức ghi vào Hiến pháp và trở thành quy định bắt buộc.
Sáng 18-3, ông Lý Khắc Cường được bầu tiếp tục giữ chức Thủ tướng; ông Chu Cường làm Chánh án TAND Tối cao; ông Trương Quân làm Viện trưởng Viện KSND Tối cao; ông Dương Hiểu Độ làm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia - một “siêu bộ” chống tham nhũng vừa được thành lập. Ủy ban Giám sát quốc gia là cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội, được giao quyền hạn rất lớn bên cạnh các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp.
* Nhân dịp Quốc hội Trung Quốc bầu lãnh đạo khóa mới, ngày 17-3, Chủ tịch nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Trần Đại Quang đã gửi điện mừng tới Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện mừng tới Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi điện mừng tới Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.
Ngày 18-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi điện mừng tới Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
THIÊN BÌNH - TTXVN