Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Ý, theo giới nghiên cứu, tin tức giả đã góp phần đáng kể mang lại chiến thắng cho những người theo chủ nghĩa dân túy và cực hữu.
Vì không có một đảng hay liên minh nào giành đa số ghế nên các cuộc thương thuyết thành lập chính phủ chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều tuần nữa. Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu cho thấy, số phiếu cử tri ủng hộ đảng dân túy Phong trào 5 sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (La Lega Nord) tăng vọt. M5S sẽ là đảng lớn nhất với hơn 30% phiếu bầu. Trong khi đó, đảng Liên đoàn phương Bắc - đảng chống nhập cư trong liên minh của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi nhận được kết quả bầu cử tốt nhất từ trước đến nay của họ với hơn 18% số phiếu.
Kết quả bầu cử cùng các quan điểm chống Liên minh châu Âu (EU) của 2 đảng nói trên khiến giới quan sát châu Âu lo ngại. Chính trị gia Pháp theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc Marine Le Pen bày tỏ quan điểm trên Twitter rằng, cuộc bầu cử Ý là “đêm mất ngủ” với EU.
Theo nghiên cứu của phó giáo sư ngành truyền thông Filippo Trevisan thuộc Đại học American tại Washington D.C, người từng nhiều năm nghiên cứu cách người dân các nước sử dụng công cụ trên mạng, thực tiễn cho thấy sự trỗi dậy của các đảng dân túy và cực hữu trong đợt bầu cử tại Ý có sự góp sức đáng kể từ tin tức giả và cả sự thay đổi đáng kể trong cách tiêu thụ tin tức của người Ý. Theo đó, ngay từ cuộc tổng tuyển cử năm 2013, cử tri Ý đã có xu hướng lựa chọn các nguồn tin trên mạng. Khi tìm kiếm thông tin trên Internet về M5S, thay vì tìm các phương tiện thông tin truyền thống, họ tìm trực tiếp tới trang web chính thức hoặc kênh thông tin trực tuyến của đảng này. Chính xu hướng tìm kiếm thông tin đó, cộng với quan điểm ít tin tưởng của người Ý với các cơ quan truyền thông báo chí chính thống đã khiến nơi đây trở thành mảnh đất màu mỡ để gieo rắc những thông tin sai lạc và phát tán các chiến dịch tuyên truyền trên mạng.
Trong chiến dịch vận động, thủ lĩnh M5S, ông Luigi Di Maio, đã mô tả các tổ chức tham gia chiến dịch cứu hộ người di cư trên biển đang hành động như thể “các hãng taxi trên biển”. Ông ngụ ý cáo buộc những tổ chức này đang vận chuyển người di cư bất hợp pháp vượt Địa Trung Hải để tạo thêm việc làm cho chính họ. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc Matteo Salvini lại giương cao “ngọn cờ” “Người Ý là trên hết” (Italians first), khiến hết thảy đều nhớ về sự đồng điệu trong câu thần chú “America First” (Nước Mỹ là trên hết) của Tổng thống Donald Trump.
Giới chuyên gia quốc tế và nhiều quan chức chính phủ Ý cũng cáo buộc phía Nga đã có những động thái can thiệp bầu cử Ý, trong khi cả hai đảng này đều có những chính sách ủng hộ Mátxcơva.
Những thông tin sai lệch đầy rẫy trên mạng là vấn đề đáng nói, song quan trọng hơn khi một tỷ lệ lớn người Ý cảm thấy tin cậy những thông tin này. Ngoài ra, còn một thực tế khác là ở Ý, lằn ranh giữa chính trị và báo chí thường không rõ ràng, nhiều nhà báo đã chuyển sang hoạt động chính trị và ngược lại. Gần đây nhất, một biên tập viên cao cấp ở tờ La Repubblica, tờ báo nhiều người đọc nhất ở Ý, đã từ chức để tham gia bầu cử với tư cách ứng cử viên của đảng Dân chủ.
TRẦN ĐẮC LUÂN