Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa

.

Cả Trung Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên đã xác nhận về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Bắc Kinh và cả việc ông cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.  Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Xác nhận của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đã xua tan những đồn đoán về việc ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc gọi đây là chuyến thăm không chính thức diễn ra từ ngày 25-3 đến 28-3. Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, chuyến công cán nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên vào năm 2011 nhằm chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Kim Jong-un nói rằng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang bắt đầu được cải thiện bởi Bình Nhưỡng có sáng kiến tháo gỡ căng thẳng và thúc đẩy các đề xuất đàm phán. “Quan điểm nhất quán của chúng tôi là cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, điều này phù hợp với mong muốn của các cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il”, ông Kim Jong-un nói, đồng thời nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Mỹ và tổ chức gặp thượng đỉnh giữa hai nước. “Vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết nếu Hàn Quốc và Mỹ đáp lại những nỗ lực của chúng tôi bằng thiện chí, tạo ra môi trường hòa bình và ổn định…”, ông Kim Jong-un nêu rõ. 

Trong khi đó, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA không đề cập cam kết phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong-un cũng như cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump được lên kế hoạch vào tháng 5 tới.

Hãng Reuters cho hay, những người tiền nhiệm của ông Kim Jong-un gồm ông Kim Nhật Thành và ông Kim Jong-il đã cam kết không theo đuổi vũ khí hạt nhân nhưng lại bí mật duy trì các chương trình phát triển loại vũ khí này, biểu hiện bằng vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 dưới thời ông Kim Jong-il. CHDCND Triều Tiên luôn tuyên bố, nếu Mỹ rút quân đội khỏi Hàn Quốc và dỡ bỏ chiếc “ô hạt nhân” ở Hàn Quốc cũng như Nhật Bản thì Bình Nhưỡng sẽ xem xét từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Nhiều nhà phân tích và các cựu chuyên gia đàm phán tin rằng, đây vẫn là quan điểm của CHDCND Triều Tiên nên tỏ ra hoài nghi khả năng ông Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo báo Global Times của Trung Quốc, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang duy trì quan hệ hữu nghị, tạo ảnh hưởng tích cực cho cả khu vực và thúc đẩy sự ổn định chiến lược ở Đông Bắc Á.

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, Trung Quốc đã thông tin với Tổng thống Donald Trump về chuyến thăm của ông Kim Jong-un và thông điệp của cá nhân ông Tập Cận Bình gửi đến nhà lãnh đạo Mỹ. Washington khẳng định vẫn duy trì liên hệ chặt chẽ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời xem những gì diễn ra là bằng chứng cho thấy chiến dịch gây áp lực tối đa đang tạo ra bầu không khí phù hợp để đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc không đứng bên lề bất kỳ cuộc đàm phán nào trong việc giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên, không như đồn đoán rằng Bắc Kinh không còn ảnh hưởng đối với nước láng giềng Triều Tiên. GS Han Suk-hee của Đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho rằng, CHDCND Triều Tiên dường như không sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu không có sự ủng hộ và giúp đỡ từ đồng minh truyền thống Trung Quốc. GS Bates Gill - Viện nghiên cứu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học quốc gia Úc ở Canberra cũng nhận định, chuyến thăm Bắc Kinh báo hiệu ông Kim mong muốn có Trung Quốc sát cánh trước các cuộc đàm phán với Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump.

Hơn nữa, chuyến thăm nói trên cũng cho thấy, ông Kim Jong-un đang nỗ lực tạo ra cử chỉ hòa giải và khẳng định với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, CHDCND Triều Tiên không chọn cách xích lại gần Washington mà đánh đổi quan hệ với Bắc Kinh. Nga cũng hoan nghênh cuộc gặp gỡ hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời cho rằng đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy những thay đổi tích cực trên bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.