Ngày 11-3, tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) khóa XIII bỏ phiếu thông qua Hiến pháp sửa đổi với 2.958 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ. Theo đó, Quốc hội thống nhất bỏ điều khoản không phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức danh Chủ tịch nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu thông qua sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Reuters |
Như vậy, ông Tập Cận Bình có thể tiếp tục làm Chủ tịch nước sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc vào năm 2023. Nói cách khác, ông sẽ không bị hạn chế nhiệm kỳ trong việc nắm giữ 3 vị trí quan trọng nhất tại Trung Quốc bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang cho biết, việc sửa đổi Hiến pháp bảo đảm những nội dung được cải thiện và phát triển phù hợp với thời đại, bảo đảm vững chắc về Hiến pháp đối với việc tuân thủ và phát triển chủ nghĩa xã hội theo bản sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới.
Quy định giới hạn nhiệm kỳ được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội lần này, đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ nói trên đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Ông Trương Nghiệp Toại, người phát ngôn của kỳ họp lý giải, đề xuất này chỉ đơn thuần làm chức danh Chủ tịch nước giống với chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, vốn không bị giới hạn nhiệm kỳ. Trong khi đó, GS Liu Jiangyong tại Trường Đại học Quan hệ quốc tế Renmin cho rằng, với động thái của Quốc hội, vị trí của ông Tập Cận Bình càng được củng cố, thời gian nắm quyền càng kéo dài thì càng bảo đảm tính liên tục của các chính sách.
Theo GS Vương Húc, khoa Luật, Đại học Nhân dân Trung Quốc, kể từ năm 1993 đến nay, quốc gia châu Á này đã hình thành cơ chế “3 trong 1” giữa các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp phù hợp với tình hình hiện nay.
Ngoài việc bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ, Hiến pháp mới cũng mở đường thành lập một “siêu bộ” chống tham nhũng mới là Ủy ban Giám sát quốc gia.
Lần gần đây nhất Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp là năm 2004. Lúc đó, thuyết “Ba đại diện” của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân được thảo luận qua 16 tháng rồi trước khi trình Quốc hội xem xét và bỏ phiếu.
PHÚC NGUYÊN