Tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu

.

Ngày 8-3 (khoảng 1 giờ ngày 9-3, giờ Việt Nam), 11 nước ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile. Đây là thắng lợi mang tính biểu tượng của các nỗ lực thúc đẩy thương mại đa phương và xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ.

Các quan chức 11 thành viên CPTPP đàm phán tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC.				                 Ảnh: The Wall Street Journal
Các quan chức 11 thành viên CPTPP đàm phán tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC. Ảnh: The Wall Street Journal

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được 12 nước ký kết vào năm 2015. Sau khi Mỹ chính thức rút lui, các nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của TPP là CPTPP. Ngoài việc nhất trí TPP đổi tên thành CPTPP, 11 nước đã vượt qua nhiều bất đồng để hoàn tất và công bố CPTPP trên cơ sở “tạm đình chỉ” 22 điều khoản của TPP trong một số lĩnh vực như dược phẩm, quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hay chế độ cung ứng cho khu vực nhà nước, vốn chủ yếu do Mỹ đề xuất…

CPTPP được ký kết trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu gợi mở về khả năng tái đàm phán gia nhập hiệp định này. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ) tháng 1-2018, ông Trump tuyên bố Washington có thể quay trở lại hiệp định này nếu có một thỏa thuận tốt hơn. Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo tại một hội nghị đầu tư hồi cuối tháng 2 vừa qua rằng, việc thương lượng lại hiệp định thương mại TPP “một lần nữa đã được đặt lên bàn”.

Sự ủng hộ đối với CPTPP cũng đến từ ngay trong nước Mỹ khi 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ký thư gửi Tổng thống Trump bày tỏ thống nhất với tuyên bố gần đây của ông rằng có thể xem xét việc Washington tham gia trở lại CPTPP nhằm mang lại một thỏa thuận tốt hơn cho nước Mỹ. Các thượng nghị sĩ cho rằng, việc tăng cường liên kết kinh tế với 11 nước tham gia CPTPP có thể sẽ làm tăng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, tạo ra hàng triệu việc làm, tăng cường xuất khẩu, tăng thu nhập của người lao động, giải phóng hoàn toàn tiềm năng năng lượng của Mỹ và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Việc gia tăng tiếp cận thị trường và khu vực có dân số lên tới gần 500 triệu người có thể tạo ra các lợi ích lan tỏa cho kinh tế Mỹ. Thực tế, các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ lâu nay đã hưởng nhiều lợi ích của quá trình toàn cầu hóa, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng liên kết với nhau chặt chẽ hơn và mỗi sản phẩm đều nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Giới phân tích đánh giá “sự hồi sinh” của TPP dưới hình thức mới CPTPP có chất lượng hơn đang tác động tới giao thương của Mỹ với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở vòng cung Thái Bình Dương. Việc Mỹ vắng mặt trong một thỏa thuận thương mại như vậy, dù ít hay nhiều, vô hình trung cũng đã đẩy các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ra xa Mỹ. Nền kinh tế số một thế giới vì thế sẽ bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh, đồng thời tạo thêm rào cản cho thương mại trong nước.

Trong khi đó, các nước thành viên CPTPP tỏ ra lạc quan khi hiệp định được hiện thực hóa. Bộ Thương mại New Zealand cho rằng, CPTPP sẽ mở ra thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng cho một quốc gia với vỏn vẹn 4,7 triệu dân New Zealand; và vào trung hạn, khu vực xuất khẩu của New Zealand hằng năm thu về thêm hơn 220 triệu USD nhờ các hàng rào thuế quan được bãi bỏ với 10 đối tác trong khu vực Thái Bình Dương.

Về phía Việt Nam, CPTPP sẽ tác động rất nhiều khía cạnh như chính trị - đối ngoại, kinh tế. Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 1,32%; kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4%. Ngoài lợi ích trước mắt là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc hay Canada, CPTPP sẽ là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh cải tổ, tăng khả năng cạnh tranh của cỗ máy sản xuất và xuất khẩu trong nước...

Rõ ràng việc ký kết CPTPP thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo của 11 nước tham gia đàm phán nhằm thúc đẩy tự do thương mại, đóng góp vào sự phát triển toàn diện và mang lại lợi ích không chỉ của các nước thành viên, mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới. Sự ra đời của một hiệp định tự do thương mại mang tính bao trùm như CPTPP chứng tỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đi đầu trong liên kết và hội nhập kinh tế. Mặt khác, nó cũng cho thấy trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, một hệ thống thương mại đa phương tự do trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi sẽ là giải pháp hữu hiệu đưa các nền kinh tế vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng, giúp ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức kinh tế, môi trường và xã hội trong thế kỷ 21, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng thống Chile Michelle Bachelet và Ngoại trưởng Heraldo Muños chủ trì lễ ký CPTPP tại thủ đô Santiago vào ngày 8-3 (giờ địa phương). Sau khi ký kết, CPTPP sẽ có hiệu lực nếu ít nhất được 6 nước thành viên phê chuẩn.

11 nền kinh tế tham gia CPTPP gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.