Ai dùng vũ khí hóa học ở Douma?

.

Các cuộc tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào thị trấn Douma ở đông Ghouta của Syria. Các nhà hoạt động đối lập Syria đổ lỗi cho chính phủ Damascus và Nga. Song, Damascus và Mátxcơva kiên quyết bác bỏ cáo buộc.

Hình ảnh do tổ chức White Helmets công bố cho thấy khói bốc lên sau các vụ không kích ở thị trấn Douma ngày 7-4.  Ảnh: AP
Hình ảnh do tổ chức White Helmets công bố cho thấy khói bốc lên sau các vụ không kích ở thị trấn Douma ngày 7-4. Ảnh: AP

Những vụ tấn công ở Douma xảy ra cuối tuần qua trong lúc các lực lượng chính phủ Syria nối lại những cuộc oanh tạc dữ dội vào thị trấn này sau khi lệnh ngừng bắn 10 ngày sụp đổ. Hãng AP dẫn thông tin của tổ chức quan sát nhân quyền Syria cho biết, ít nhất 90 người chết ở Douma ngày 7-4, trong đó 40 người chết do bị ngạt thở. Theo tổ chức này, nguyên nhân gây ngạt thở là do những người này mắc kẹt trong các tòa nhà bị đổ sụp.

Ông Mahmoud, người phát ngôn của White Helmets - lực lượng cứu hộ mũ bảo hiểm trắng Syria nói rằng không ai có thể tìm được loại chất hóa học nào được sử dụng. Các clip do White Helmets đăng tải cho thấy, các nạn nhân - trong đó có cả trẻ sơ sinh - phải thở oxy tại các bệnh viện được dựng tạm thời. Báo cáo của White Helmets cho biết, có hơn 150 người chết và 1.000 người đang được điều trị vì tiếp xúc với vũ khí hóa học.

Trong một tuyên bố được hãng thông tấn SANA của nhà nước Syria đăng tải, chính phủ Damascus bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng những thông tin này do phiến quân Hồi giáo Jaish al-Islam (còn gọi là Army of Islam) đưa ra. “Quân đội không cần thiết sử dụng bất kỳ loại vũ khí hóa học nào”, tuyên bố nêu rõ.

Hãng Reuters dẫn nguồn tin của chính phủ Syria khẳng định sẽ bắt đầu đàm phán với nhóm Jaish al-Islam.
Quân đội Syria đã nối lại chiến dịch tấn công nhằm vào Douma, thị trấn do phiến quân kiểm soát, từ chiều 6-4 sau khi lệnh ngừng bắn trong 10 ngày giữa các bên sụp đổ. Douma là thành trì cuối cùng của phiến quân ở “điểm nóng” đông Ghouta.

Mỹ cũng quy trách nhiệm cho Nga trong vụ việc lần này nhưng Mátxcơva bác bỏ mọi liên quan và cho rằng phương Tây dùng các cáo buộc để làm suy yếu hoạt động quân sự ở khu vực.

Theo AP, cách đây đúng 1 năm cũng xảy ra vụ tấn công dùng vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Sheikhoun, phía bắc Syria, làm hàng chục người chết. Lúc đó, để trả đũa, Mỹ đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk từ một căn cứ không quân ở Syria mà Tổng thổng Donald Trump cho rằng nhằm ngăn chặn chính phủ Damascus sử dụng thêm vũ khí bất hợp pháp.

Năm 2013, một vụ tấn công ở đông Ghouta cũng bị cho là dùng vũ khí hóa học, làm hàng trăm người chết. Lần này, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, Washington đang theo dõi chặt chẽ thông tin về vụ tấn công ở Douma, đồng thời cho rằng nếu đây thực sự là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học thì đòi hỏi phản ứng ngay lập tức của cộng đồng quốc tế.

Phía Mỹ muốn Nga ngừng hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Assad. Nhà Trắng cho rằng, việc Nga bảo vệ chính phủ Assad và sự thất bại trong việc ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học ở Syria đặt ra câu hỏi cho những cam kết giúp chấm dứt cuộc nội chiến.

Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ sớm rút quân khỏi Syria nhưng sau đó lại “miễn cưỡng” đồng ý duy trì sự hiện diện của quân đội tại quốc gia Trung Đông này. Nếu vụ tấn công bằng vũ khí hóa học được xác nhận sẽ khiến Tổng thống Trump càng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi ông có những tuyên bố bất nhất như vậy.

Mỹ hiện có khoảng 2.000 binh sĩ đồn trú ở Syria để hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo các nhà quan sát, việc rút toàn bộ lực lượng Mỹ tại Syria sẽ gây tốn kém và có thể để lại nhiều hậu quả không lường trước.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.