Bộ Ngoại giao: Ở Việt Nam không có cái gọi là 'tù nhân lương tâm'

.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5-4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số tổ chức nhân quyền lên án phiên tòa ngày 5/4 xét xử sơ thẩm 6 bị cáo về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân," Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Việt Nam bác bỏ những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan này. Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm," không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật."

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

"Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ tháng 3-2013 đến tháng 7-2017, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển là người khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế hoạt động và chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ chức “Hội anh em dân chủ."

Bị cáo Đài cùng các đồng phạm đã lôi kéo Trương Minh Đức, Lê Thu Hà và một số người tham gia tổ chức thực hiện các hành vi: lập văn phòng đại diện, địa chỉ website để hoạt động, xây dựng “Cương lĩnh vắn tắt," có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, chiến lược đối nội, đối ngoại, hoạt động phát triển lực lượng, đào tạo hội viên...

Các bị cáo đã lợi dụng việc đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền," "xã hội dân sự” để che giấu mục đích hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước, liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính từ nước ngoài, tuyên truyền chống Nhà nước với mục đích khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu với chính quyền, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng," "tam quyền, phân lập," tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân...

Bị cáo Nguyễn Văn Đài tại phiên tòa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Văn Đài tại phiên tòa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định bị cáo Nguyễn Văn Đài là đối tượng cầm đầu, đóng vai trò chủ mưu, giữ vị trí Phó Chủ tịch thứ hai của “Hội anh em dân chủ," trực tiếp xây dựng cương lĩnh hoạt động của “Hội anh em dân chủ.”

Nguyễn Văn Đài tham gia bàn bạc, định hướng cách thức hoạt động, phát triển lực lượng, lôi kéo Lê Thu Hà tham gia “Hội anh em dân chủ”; đào tạo, hướng dẫn các thành viên về cách thức, kinh nghiệm hoạt động; lập dự án và liên hệ với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài để vận động ủng hộ, nhận số tiền 71.726 USD và 9.161,31 euro tài trợ tài chính cho hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; trực tiếp tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bị cáo Phạm Văn Trội là người thành lập và là Chủ tịch “Hội anh em dân chủ," giữ các vị trí phụ trách hoạt động ở khu vực miền Bắc, xây dựng cương lĩnh hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; bàn bạc, định hướng cách phát triển lực lượng; lôi kéo 6 người tham gia “Hội anh em dân chủ”; đào tạo, hướng dẫn các thành viên về cách thức, kinh nghiệm hoạt động; phụ trách quỹ của “Hội anh em dân chủ”; chỉ đạo các thành viên “Hội anh em dân chủ” phản đối cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5-2016, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.
.